Nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen của người đàn ông gần 60 tuổi. Bằng giọng nghẹn ngào phạm nhân Tuấn tâm sự: “Chỉ vì không kìm được nóng giận mà tôi đã lỡ tay tước đi mạng sống của người hàng xóm”.

Nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen của người đàn ông gần 60 tuổi. Bằng giọng nghẹn ngào phạm nhân Tuấn tâm sự: “Chỉ vì không kìm được nóng giận mà tôi đã lỡ tay tước đi mạng sống của người hàng xóm”.

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi gặp phạm nhân Trần Văn Tuấn (SN 1958, trú tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đang cải tạo tại trại giam Xuyên Mộc (T345, Bộ công an). Ngồi trước mặt chúng tôi là người đàn ông với gương mặt hiền lành, có phần hơi khắc khổ.

Nếu không được biết trước tội danh, có lẽ chúng tôi không bao giờ tin rằng người đàn ông này lại có thể là phạm nhân mang tội “giết người”. Ánh mắt xa xăm, bằng giọng chầm chậm ông Tuấn trò chuyện với chúng tôi.

“Trước đây, gia đình tôi làm nghề trồng rẫy cà phê ở Lâm Đồng. Gần chỗ tôi ở thì có gia đình anh T và anh Lợi cùng trồng cà phê. Do có mâu thuẫn từ trước nên gia đình hai anh ấy thường xuyên gây lộn với nhau. Hôm đó là tối ngày 7/1/2001, anh Lợi mời tôi sang nhà ăn thịt chó. Vì nể tình hàng xóm nên tôi sang và làm vài ly bên đó.

Phạm nhân Tuấn tại trại giam Xuyên Mộc.

 
Khi cuộc nhậu sắp tàn, có một người cháu của anh Lợi chạy về báo. Ở bên nhà anh T tụ tập rất nhiều người có mang theo hung khi chuẩn bị sang nhà anh Lợi tìm người để đánh. Nghe thấy vậy, tôi liền bảo anh Lợi dọn dẹp rồi lánh đi chỗ khác cẩn thận không lại có án mạng xảy ra. Còn tôi, liền về nhà lấy xe máy đến nhà bác trưởng thôn, cùng bác sang nhà anh công an xã báo tin để ngăn chặn không xảy ra cuộc đổ máu”.

Nào ngờ, khi anh Tuấn cũng công an xã và trưởng thôn đến nhà anh T thì không thấy có người nào. Chỉ có anh T cùng vợ con đang ở trong nhà.

Anh T liền hỏi: “Sao rảnh rỗi vậy, hôm nay rồng lại đến nhà tôm?”. Đồng chí công an liền lên tiếng: “Anh Tuấn báo cho chúng tôi nhà anh tụ tập nhiều người để chuẩn bị sang nhà anh Lợi tìm người để đánh có phải không?”. Không để cho anh Tuấn kịp thanh minh, anh T liền chửi bới vì dám “vu oan giá họa” cho nhà mình, rồi xô anh Tuấn ngã xuống nền.

Từ trong nhà con trai anh T chạy ra đấm đá anh Tuấn túi bụi. Nhờ có công an can ngăn nên anh Tuấn mới đứng dậy và về nhà được.

Về đến nhà, ấm ức vì bị đánh oan, do sẵn có hơi men trong người, anh Tuấn lấy con dao dắt vào người quay lại nhà anh T để nói chuyện phải trái. Vừa đến nơi, nhìn thấy anh Tuấn anh T và con trai xông ra đánh tiếp. Không kìm được nóng giận, anh Tuấn rút con dao trong người ra đâm một nhát vào bụng con trai anh T.

Tuy nhiên trong lúc giằng co, anh Tuấn cũng bị đâm một nhát vào tay. Mặc dù đã được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng. Ngày 8/1/2001 con trai anh T đã tử vong ở bệnh viện. Ngay ngày hôm đó anh Tuấn bị công an Lâm Đồng bắt giam về tội giết người.

Những ngày mới bị bắt, anh Tuấn dường như suy sụp hoàn toàn. Anh giày vò bởi tội lỗi của mình gây ra quá lớn. Chỉ vì một phút nông nổi “cả giận mất khôn” mà đã tước đoạt đi tính mạng của một con người. Để giờ đây, anh sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật. Còn vợ con anh, họ sẽ sống sao khi có một người chồng, người cha là kẻ giết người.

Ân hận vì không thể gặp mặt mẹ lần cuối

Lấy tay gạt vội những giọt nước mắt, anh Tuấn bùi ngùi kể tiếp: “Tôi đã cải tạo trong trại giam được hơn 13 năm rồi. Nhưng có nhiều đêm giật mình tỉnh dậy tôi vẫn không tin có một ngày mình lại trở thành phạm nhân mang tội giết người. Những ngày tôi mới vào trại, tôi thấy bi quan và chán trường lắm.

Do gia đình tôi ở ngay sát nhà bị hại, nên vợ và con tôi đã phải bỏ nhà cửa và cả rẫy cà phê sắp đến mùa thu hoạch xuống thành phố Đà Lạt thuê nhà ở tạm. Từ trước đến nay, tôi là trụ cột chính của gia đình, vợ tôi chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp. Đến khi tôi gặp chuyện, gia đình phải “tan đàn xẻ nghé”.

Con trai tôi theo ông bà nội ra ngoài bắc để tiếp tục theo học. Còn cháu thứ 2 ở cùng mẹ tại thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, do cháu lớn chuyển trường muộn nên phải học trễ mất 1 năm”.

Dừng lại một lúc anh Tuấn nói tiếp: “Lúc đó tôi ân hận vô cùng, tôi giận bản thân mình ghê ghớm. Các con tôi thì vẫn còn nhỏ, khi bọn chúng cần sự chăm sóc, chỉ bảo của người cha nhất thì tôi lại không có ở bên cạnh.

Năm đầu tiên, con trai tôi thi trượt đại học, tôi đã khóc. Tôi thấy có lỗi với con nhiều lắm. Bởi từ khi cắp sách đến trường, năm nào cháu cũng là học sinh khá giỏi.

Có lẽ vì chuyện của tôi, cháu mất tập trung nên không đậu được đại học. Năm thứ 2, cháu ôn thi lại và đã may mắn đậu trường Đại học Bách khoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhận được tin này tôi mừng còn hơn bắt được vàng. Nếu cháu không thị đậu được đại học thì tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình. Đến bây giờ tôi cũng đã yên tâm phần nào. Con trai lớn của tôi, sau khi tốt nghiệp đại học đã có công ăn việc làm ổn định và có gia đình.

Còn con gái của tôi cũng đã tốt nghiệp đại học ngân hàng, đang chờ xin việc. Mặc dù biết bố gây ra tội lớn, làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống gia đình. Nhưng các con tôi chưa bao giờ trách móc bố một lời. Lần nào lên trên này thăm tôi, các cháu đều động viên tôi cải tạo cho tốt để sớm có thể trở về với gia đình”.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi anh Tuấn nhắc về mẹ.

Giọng nghẹn ngào, ánh buồn buồn nhìn về vệt sáng nơi cửa sổ anh nói: “Tuy nhiên trong lòng tôi luôn có một điều day dứt đó là không thể về chịu tang mẹ. Tôi sinh ra ở Nam Định. Học xong lớp 12, tôi đi xuất khẩu lao động ở bên Đức. Sau khi trở về Việt Nam, tôi lấy vợ và lên Lâm Đồng lập nghiệp. Trong gia đình có lẽ mẹ là người chăm lo và yêu thương tôi nhất. Cả cuộc đời tôi đã đi xa, chưa một ngày báo hiếu được cho mẹ.

Vậy mà khi mẹ tôi mất, do đang ở trong trại giam nên không thể về gặp mẹ lần cuối. Những ngày đó tôi như người mất hồn. Biết tôi có tâm sự, các cán bộ tại trại giam Xuyên Mộc đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần.

Các cán bộ giúp tôi hiểu rằng con đường ngắn nhất để chuộc lại những lỗi lầm của mình là cải tạo cho thật tốt. Có như thế thì tôi mới có cơ hội sớm được trở về nhà để bù đắp những mất mát mà mình đã gây ra cho nạn nhân và người thân của mình".

Đã được giảm án xuống còn 30 năm

Trao đổi với PV, một cán bộ trại giam cho biết : Trong nhiều năm cải tạo tại trại giam, phạm nhân Trần Văn Tuấn luôn là phạm nhân có ý thức kỷ luật và cải tạo tốt. Vì vậy khi phạm nhân Tuấn đã cải tạo đủ 12 năm, trong đợt giảm án phạm nhân Tuấn đã được giảm án xuống còn 30 năm. Nếu phạm nhân Tuấn cải tạo tốt thì có thể trong vòng 10 năm tới sẽ được trả tự do về với gia đình. 

>> Giải quyết mâu thuẫn, nam thanh niên cắt cổ bạn nhậu
>> Giết người cướp của để đi thăm bạn gái

Theo Việt Thu (Nguoiduatin.vn)