Pháp luật

Ông Trầm Bê ra tù

Chiều 15/2, nguồn tin từ Trại giam Bến Giá (Bộ Công an, đóng tại Trà Vinh) xác nhận, ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập Sacombank) thi hành xong 2 bản án hình sự.

Báo VietNamNet dẫn nguồn tin cho biết thêm, ông Trầm Bê ra tù hôm thứ Sáu (10/2). Ông Trầm Bê là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1959, quê quán Trà Vinh, lập nghiệp tại TP.HCM.

Ông Trầm Bê phải chấp hành 2 bản án hình sự, với tổng cộng 7 năm tù. Theo đó, vụ thứ nhất, ông Trầm Bê bị TAND TP HCM tuyên phạt 4 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" vì giúp sức cho ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng xây dựng-VNCB, TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh)) gây thiệt hại cho VNCB khoảng 1.800 tỷ đồng.

Ở vụ thứ hai, năm 2020, TAND TP.HCM tuyên phạt ông Trầm Bê 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". 

Ông Trầm Bê ra tù
Ông Trầm Bê. Ảnh: Zing

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, trước khi bước chân vào lĩnh vực ngân hàng, ông Trầm Bê đã đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác như mở Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh, thành viên hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), chủ tịch hội đồng quản trị Bệnh viện Đa khoa Triều An.

Năm 2002-2004, Công ty Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn do ông là chủ tịch hội đồng quản trị chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam.

Năm 2004, ông Trầm Bê tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực tài chính với việc mua một lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và trở thành thành viên hội đồng quản trị.

Ông Trầm Bê sau đó tiếp tục thâu tóm cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và kiến nghị cho sáp nhập Ngân hàng Phương Nam - khi đó là một ngân hàng yếu kém, có tỉ lệ nợ xấu cao - vào Sacombank và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào tháng 8-2015.

Tuy nhiên cùng với việc cho phép Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank, ông Trầm Bê cũng bị truất quyền điều hành tại Sacombank.

Theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước, ông Trầm Bê, khi đó là phó chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank, phải tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước chỉ định đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Ngân hàng Phương Nam và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.

Ông Trầm Bê không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập và ông cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)




https://vietnamnet.vn/ong-tram-be-ra-tu-2110598.html