Pháp luật

Sập bẫy tình mất tiền 'oan' vì lời hứa tặng quà giá trị từ 'bạn trai ngoại quốc'

Sau khi nhiều lần bị mất tiền cho món quà của “bạn trai ngoại quốc” mà vẫn không nhận được bưu phẩm, chị T. mới phát hiện ra mình bị lừa và báo công an.

Tình “ảo” - tiền thật

Ngày 2/8, Công an Hà Nội, đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND truy tố Trương Thị Mỹ Hằng (32 tuổi) và em trai Trương Thái Quý (27 tuổi, quê Cần Thơ) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Hằng được cho mắt xích quan trọng trong băng nhóm lừa đảo qua điện thoại của Trần Minh Tuấn (trú tại Tiền Giang) và một người ngoại quốc tên BBK.

Theo kết quả điều tra ban đầu, tháng 5/2020, nhóm của Tuấn dùng tài khoản Facebook lấy tên giả là Jame Sill, sống tại Anh, rồi làm quen với chị N.T.T (30 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, làm nghề kinh doanh). Qua nhiều lần trò chuyện, chị T. được "bạn trai ngoại quốc" hứa tặng món quà đắt tiền.

Sập bẫy tình mất tiền 'oan' vì lời hứa tặng quà giá trị từ 'bạn trai ngoại quốc'
Trương Thị Mỹ Hằng tại cơ quan điều tra

Sau khi Tuấn cung cấp thông tin của chị T., Hằng đóng giả nhân viên công ty chuyển phát, gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển 12,5 triệu đồng để thanh toán phí vận chuyển quà tặng có giá trị lớn. Tin lời nhóm lừa đảo, chị T. đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Quý cung cấp.

Đầu tháng 6/2020, Tuấn và Hằng tiếp tục dùng nhiều số điện thoại, gọi và nhắn tin yêu cầu chị T. chuyển thêm tiền để làm chi phí thông quan do kiện hàng liên quan đến hoạt động rửa tiền. Sợ bị liên lụy, nạn nhân đã nhiều lần chuyển cho nhóm của Tuấn hơn 1 tỷ đồng.

Ngày 25/6/2020, chị T. không nhận được bưu phẩm và cho rằng bản thân bị lừa nên gửi đơn trình báo Công an quận Nam Từ Liêm. Sau khi thu thập chứng cứ, cảnh sát bắt giữ Hằng và Quý.

Qua quá trình điều tra, Hằng cho biết, tháng 3/2016, Hằng sang Campuchia để kinh doanh rồi quen một nhóm người Việt, trong đó có Trần Minh Tuấn và BBK.

Tháng 3/2020, Hằng và Quý được nhóm của Tuấn phân công về Việt Nam. Quý đi thu mua hàng loạt tài khoản ngân hàng của nhiều người để bị hại chuyển tiền vào. Còn Hằng sẽ đóng giả nhân viên công ty chuyển phát quốc tế.

Được biết, Hằng đã tham gia thực hiện gần 30 vụ lừa đảo khác, được hưởng lợi 300 triệu đồng nhưng bị can không nhớ thông tin các bị hại nên cơ quan chức năng tách hồ sơ để tiếp tục làm rõ.

Chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Cũng trong cùng ngày, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa kết thúc chuyên án, triệt phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia và bắt giữ 6 đối tượng liên quan.

Theo đó, thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai liên tiếp nhận được các lá đơn tố cáo của nhiều nạn nhân bị “bạn trai ngoại quốc” lừa tiền.

Điển hình, vào tháng 11/2019, chị Trịnh Thị B. (SN 1976, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai; đã ly hôn) vào mạng xã hội, kết bạn với tài khoản của người đàn ông ngoại quốc tên Mark. Qua trao đổi, Mark tự xưng là doanh nhân, đang có dự án tại Malaysia, hứa hẹn sẽ sang Việt Nam sau khi hết dịch Covid-19.

Đầu tháng 5/2020, Mark báo tin công trình của mình tại Malaysia đang gặp trục trặc, ngân phiếu ở Mỹ không chuyển sang được, cần số tiền lớn để xử lý và hứa sẽ trả lại. Y còn chụp hình tấm séc hàng triệu USD gửi cho chị B. xem. Để "cứu" bạn trai ngoại quốc, ngoài số tiền có sẵn, chị B. vay mượn thêm của bạn bè, họ hàng rồi chuyển đến tài khoản mở tại ngân hàng ở Việt Nam do Mark cung cấp, tổng cộng lên tới gần 12 tỷ đồng. Nhưng 10 ngày sau, chị B. bị gã chặn Facebook. Biết mình bị lừa, nạn nhân vội vàng đến cơ quan công an trình báo.

Sập bẫy tình mất tiền 'oan' vì lời hứa tặng quà giá trị từ 'bạn trai ngoại quốc' - 1
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo "bạn trai ngoại quốc"

Tiến hành điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện đây là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, do các đối tượng người nước ngoài điều hành, hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các đối tượng sau khi nhận được tiền từ nạn nhân sẽ lập tức rút tiền rồi chuyển ra nước ngoài, như: Trung Quốc, Campuchia, Malaysia..., rồi rút tiền mặt bằng thẻ Visa.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng xác định được một mắt xích vô cùng quan trọng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này là Nguyễn Thị Hương (SN 1949, ngụ tỉnh Bình Dương).

Hương cho biết, đầu năm 2019, Hương bị một đối tượng người nước ngoài tên Herny lừa qua mạng xã hội, chiếm đoạt 600 triệu đồng, nhưng không trình báo công an. Sau đó, chính Herny yêu cầu Hương mở tài khoản, đăng ký thẻ Visa ngân hàng để nhận tiền giùm gã, sẽ được trả hoa hồng. Hương mở tài khoản rồi gửi chuyển phát nhanh cả hồ sơ, thông tin về tài khoản cho Herny (địa chỉ ở Malaysia). Từ đó, mỗi khi có tiền vào tài khoản, Hương đến ngân hàng rút số tiền được Herny cho để tiêu xài cá nhân, số tiền còn lại chuyển cho Herny.

Từ manh mối mà Hương cung cấp để tiếp tục tìm hiểu, cơ quan chức năng đã xác định, bắt giữ thêm Cáp Xuân Thùy (SN 1998, ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng; tạm trú quận 7), Diallo Micheal (SN 1993, quốc tịch Guinea), Thùy cùng Bùi Thị Nghi (SN 1992, quê An Giang; tạm trú quận 1), Agada Samuel (SN 1994, quốc tịch Nigeria) và Ezegbogu Francico Emeka (SN 1993, quốc tịch Nigenia; hiện ở một chung cư tại huyện Nhà Bè) và thu giữ hàng trăm thẻ ngân hàng, giấy chuyển tiền, tài liệu, tang vật khác liên quan mà các đối tượng dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có thể nói, những chiêu trò lừa đảo như trên không hề xa lạ nhưng nhiều chị em phụ nữ vẫn thiếu tỉnh táo trước sự tinh vi của các đối tượng.

Những đối tượng này tìm hiểu khá kĩ về mục tiêu thông qua trang cá nhân của họ, nhiều trường hợp nạn nhân thấy các tài khoản Facebook này lần tìm về các bài viết của họ đã từ nhiều năm trước đây.

Nắm được tâm lý, hoàn cảnh của mục tiêu, các đối tượng càng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, lấy lòng tin và khiến họ mất dần đi sự cảnh giác. Những đối tượng này thường hứa hẹn sẽ đến Việt Nam thăm hỏi, thậm chí là đón nạn nhân sang chung sống với mình để tận hưởng cuộc sống mới.

Chính vì vậy, trước khi để mọi chuyện đã quá muộn màng, bản thân mỗi chúng ta cũng cần có đủ sự tỉnh táo, ý thức cảnh giác với người lạ. Đặc biệt hơn cả, trước khi bạn định bỏ ra một khoản tiền nào đó, bạn cần phải nắm chắc thông tin người nhận, địa điểm giao dịch, tránh tình trạng “có không giữ - mất đi tìm” xảy ra.

Theo Han (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/mat-tien-oan-vi-loi-hua-tang-qua-gia-tri-tu-ban-trai-ngoai-quoc-a522943.html