Pháp luật

Trả hồ sơ vụ cán bộ ngân hàng dùng chiêu đảo khế chiếm đoạt tài sản

Thủy cùng Oanh dùng chiêu đảo khế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa phúc thẩm đánh giá cấp sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện các tài liệu trong hồ sơ vụ án, quy kết số tiền ít hơn so với thực tế.

Bị cáo kháng cáo kêu oan

Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử Bùi Thị Oanh (32 tuổi), trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và Phạm Thị Thủy (38 tuổi), trú thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, TAND huyện Yên Thành xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Phạm Thị Thủy 8 năm tù, Bùi Thị Oanh 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng buộc bị cáo phải hoàn trả lại số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt.

Bị cáo Thủy làm đơn kháng cáo kêu oan. Trong khi đó, bị hại ông P.C.H., trú tại thị trấn huyện Yên Thành, bị hại trong vụ án, cũng làm đơn kháng cáo yêu cầu hủy bản án vì cho rằng số tiền hai bị cáo chiếm đoạt nhiều hơn so với số tiền được kết luận trong quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm.

Trả hồ sơ vụ cán bộ ngân hàng dùng chiêu đảo khế chiếm đoạt tài sản
Bị cáo Thủy và Oanh tại phiên tòa.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 7/2017, Oanh lâm vào cảnh nợ nần nên đã nhờ chị gái chồng mình vay số tiền 100 triệu đồng tại Agribank chi nhánh huyện Yên Thành. Do đó, từ tháng 3 - 6/2018 Oanh đã nhiều lần đến UBND xã Hợp Thành để nộp tiền lãi. Tại đây, Oanh gặp Thủy là cán bộ tín dụng của chi nhánh Agribank Yên Thành.

Quá trình nói chuyện, Oanh nói cho Thủy biết hoàn cảnh túng quẫn của mình. Lúc này, Thủy nói tìm người có tiền để vay đảo khế xoay vòng trả nợ giúp Oanh rồi Oanh phải trích tiền công sức cho Thủy.

Thủy và Oanh bắt đầu lên kế hoạch thực hiện các thủ đoạn gian dối như đưa ra các thông tin về việc đảo khế của khách hàng tại ngân hàng để người có nhu cầu cho khách hàng vay tiền đảo khế tin tưởng là thật giao tiền cho mình. Mục đích của 2 bị cáo là nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Cụ thể, thông qua một số người quen, bằng thủ đoạn gian dối nói có người cần vay tiền đảo khế, Oanh và Thủy đã vay của anh N. P. L., trú tại TP.Vinh 550 triệu đồng. Số tiền đó, Oanh lấy 100 triệu để trả nợ cá nhân, Thủy lấy 50 triệu tiền công, còn lại 400 triệu đồng Thủy tạm giữ. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định Thủy là đồng phạm với Oanh trong việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của của N. C. H., trú tại thị trấn Yên Thành. Cũng với chiêu bài vay đảo khế, các bị cáo đã liên hệ với ông H..

Trong khoảng thời gian từ 22/8/2018 đến 5/9/2018 ông H. đã 6 lần chuyển tiền vào tài khoản của Thủy, với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan tiến hành tố tụng xác định Thủy là đồng phạm với Oanh trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông H. 400 triệu đồng. Cả hai phải chịu trách nhiệm hình sự về khoản tiền này. Trong đó, Thủy chiếm đoạt 190 triệu đồng, Oanh 210 triệu đồng.

Về số tiền hơn 1,2 tỷ đồng còn lại của ông H., không có đủ cơ sở để chứng minh Oanh và Thủy đã chiếm đoạt. Ông H. có quyền khởi kiện Oanh và Thủy ra tòa dân sự về khoản tiền này. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên mức án như trên dành cho 2 bị cáo.

Bác kháng cáo kêu oan, trả hồ sơ

Tại phiên phúc thẩm, ông H. đưa ra các chứng cứ thể hiện trong khoảng thời gian từ 22/8 - 5/9/2018 ông đã 6 lần chuyển tiền vào tài khoản của Thủy, với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Chi tiết này phù hợp với lời khai của bị cáo Oanh trong quá trình điều tra, xét xử. Các tài liệu cũng chứng minh Thủy rút và giao cho Oanh gần 1,5 tỷ đồng. Bị cáo Oanh trả lại cho ông H. 560 triệu đồng. Hiện nay ông H. đang bị chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Còn bị cáo Thủy cho rằng tất cả khai nhận của bị cáo Oanh cũng như lời khai của các bị hại, người liên quan, nhân chứng không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo; các tài liệu chứng cứ không đủ tính pháp lý xác định bị cáo là đồng phạm của Oanh trong việc lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng của ông H.

Trả hồ sơ vụ cán bộ ngân hàng dùng chiêu đảo khế chiếm đoạt tài sản - 1
Bị cáo Thủy cho rằng các tài liệu chứng cứ không đủ tính pháp lý xác định bị cáo là đồng phạm.

Cấp phúc thẩm thấy rằng có căn cứ xác định bị cáo Oanh chiếm đoạt của ông H. hơn 1,1 tỷ đồng, không phải là 400 triệu đồng như cấp sơ thẩm tuyên. Cấp sơ thẩm xác định bị cáo Oanh và Thủy chiếm đoạt 400 triệu đồng, trong đó bị cáo Oanh 210 triệu đồng, bị cáo Thủy 190 triệu đồng là chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

Hành vi này của bị cáo Thủy thuộc 1 trong 6 hành vi mà bị cáo Oanh đã lừa đảo. Căn cứ lời khai của bị cáo Oanh và bị hại H. thì thấy có dấu hiệu đồng phạm nhưng thấy chưa có căn cứ pháp lý vững chắc để kết luận bị cáo đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay phạm vào tội độc lập khác.

Tại phiên tòa, tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm kết luận các bị cáo đồng phạm chiếm đoạt tài sản theo khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự là điều tra, truy tố, xét xử chưa đầy đủ; có căn cứ suy luận các bị cáo phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, vi phạm khoản a, điểm 4, Điều 174, việc điều tra, xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo là không đúng thẩm quyền.

Vì các lẽ trên, HĐXX tuyên bố không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND huyện Yên Thành giải quyết lại vụ án theo quy định.

Theo Hà Hằng (Nguoiduatin.vn)