Pháp luật

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Thuê người ký lên giấy trắng, lập công ty 'ma'

Mục đích ký khống là để lập hồ sơ rút, nộp và chuyển tiền giúp bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.

Chiều 7-3, TAND TP HCM tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1).

Nhóm bị cáo là các cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB bị cáo buộc giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền "khủng". Trước tòa, các bị cáo này đều khai họ là những người làm công ăn lương, không hưởng lợi vật chất từ bị cáo Trương Mỹ Lan.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Thuê người ký lên giấy trắng, lập công ty 'ma'

Cũng trong chiều 7-3, HĐXX xét hỏi 3 bị cáo từng là nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo đó, các bị cáo đều được Nguyễn Ngọc Dương (đã chết; cựu Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Peninsula) tuyển dụng và bố trí làm việc tại các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Ngoài các công việc được giao theo hợp đồng lao động, Nguyễn Ngọc Dương còn chỉ đạo các bị cáo tìm, thuê người đứng tên thành lập công ty "ma" nhằm vay vốn khống, "giải quỹ" cho các khoản vay tại Ngân hàng SCB của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Thuê người ký lên giấy trắng, lập công ty 'ma' - 1
Bị cáo Nguyễn Phương Anh

Theo đó, những cá nhân được nhóm này thuê phải cung cấp giấy tờ tùy thân, sau đó, họ sẽ ký vào các tờ giấy A4 không có nội dung, được đánh dấu vị trí ký bằng bút chì. Mục đích ký khống là để lập hồ sơ rút, nộp và chuyển tiền giúp bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.

Các bị cáo khai làm việc không được hưởng lợi, chỉ hưởng lương theo hợp đồng lao động.

Từ năm 2016 đến ngày 17-10-2022, các bị cáo Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân, Trần Thị Kim Chi đã thuê 171 người.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Thuê người ký lên giấy trắng, lập công ty 'ma' - 2
Các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Điển hình, bị cáo Bùi Đức Khoa đã tìm kiếm 96 cá nhân và chuyển thông tin cho nhóm Nguyễn Phương Anh để thành lập, sử dụng 77 công ty "ma" và 19 cá nhân đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, đưa vào hợp thức 166 hồ sơ vay vốn khống để Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB.

Hành vi của Bùi Đức Khoa đã gây thiệt hại cho SCB hơn 154.800 tỉ đồng; Nguyễn Thị Khánh Vân gây thiệt hại hơn 40.300 tỉ đồng; Trần Thị Kim Chi hơn 37.500 tỉ đồng.

Sáng cùng ngày, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Công ty Windsor). 

Bị cáo Trương Huệ Vân là cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan, được bà Lan yêu thương, dưỡng dục từ nhỏ nên còn gọi bà Lan là mẹ.

Chủ tọa phiên toà hỏi động cơ bị cáo tham gia giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Thuê người ký lên giấy trắng, lập công ty 'ma' - 3
Bị cáo Trương Huệ Vân

Bị cáo Vân khai: "Bị cáo hiểu về uy tín, cách sống, cách làm người của cô, cho bị cáo ăn học, làm việc, luôn tin tưởng tuyệt đối với định hướng, tầm nhìn của cô. Vì vậy, toàn bộ chỉ đạo của cô, bị cáo đều làm theo, không dám cãi".

Bị cáo Vân nói thêm, bị cáo còn thấy những người trong "hệ sinh thái" của mình đều tin tưởng bị cáo Trương Mỹ Lan nên càng khiến bị cáo thêm tin tưởng và làm theo lời bà Lan.

Theo Ý Linh - Minh Diễm (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/xet-xu-vu-van-thinh-phat-thue-nguoi-ky-len-giay-trang-lap-cong-ty-ma-196240307134819145.htm