Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Anonymous lại 'tung đòn' với quân đội Nga sau sự kiện thị trấn Bucha

Nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous vừa thông báo trên Twitter rằng họ đã xâm nhập và làm rò rỉ thành công dữ liệu cá nhân của 120.000 binh sĩ Nga. Sự việc được cho là động thái đáp trả sau khi Ukraine công bố nhiều hình ảnh dân thường bị sát hại tại thị trấn Bucha nghi do các lực lượng Nga tiến hành.

Anonymous lại 'tung đòn' với quân đội Nga sau sự kiện thị trấn Bucha
Anonymous đã làm rò rỉ dữ liệu cá nhân của hơn 100.000 binh sĩ Nga. Ảnh: AFP/Getty Images

Trên Twitter của mình, nhóm tin tặc khét tiếng cho biết: "Tất cả những binh lính tham gia vào chiến dịch quân sự tại Ukraine nên bị đưa ra tòa án xét xử tội phạm chiến tranh."

Vụ rò rỉ dữ liệu được Anonymous công bố bao gồm các thông tin cá nhân như ngày sinh, địa chỉ, số hộ chiếu và đơn vị liên kết của những quân nhân Nga.

Trước đó Anonymous cũng tỏ rõ lập trường đứng về phía Ukraine chỉ vài hôm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt sang nước láng giềng.

Hãng thông tấn Pravda của Ukraine cũng xác nhận, xuất hiện nhóm tin tặc tấn công vào nhiều trang web thuộc các cơ quan quan trọng của Nga như các website chính phủ, trang web bộ quốc phòng Nga hay kể cả các kênh truyền hình để tuyên truyền phản đối các hành động quân sự của Moscow.

Theo trang Newsweek của Mỹ, Pravda đã không tiết lộ nguồn thông tin rò rỉ nhưng cho biết "Trung tâm Chiến lược Quốc phòng của Ukraine đã thu thập dữ liệu về thông tin của binh sĩ Nga từ các nguồn đáng tin cậy".

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt sang Ukraine, Anonymous đã rất thẳng thắn về cuộc chiến. Nhóm này cho biết: “Việc hack sẽ tiếp tục cho đến khi Nga ngừng gây chiến".

Gần đây, ngoài việc tấn công các cơ quan chính phủ, Anonymous còn tiến hành đột nhập vào các máy in không an toàn ở Nga để ttuyên truyền thông điệp chống lại Moscow.

Trong một cuộc phỏng vấn với IBT, một trong những thành viên của nhóm cho biết họ đang hướng dẫn người Nga cách cài đặt phần mềm mã nguồn mở để cho phép người dân vượt qua kiểm duyệt của chính phủ Nga.

Anonymous ra đời vào năm 2003 bắt đầu từ lời kêu gọi trên forum 4chan với biểu tượng đeo mặt nạ Guy Fawkes như trong phim V for Vendetta.

Mạng lưới hoạt động của Anonymous không giống bất kỳ tổ chức nào vì không có người đứng đầu để đưa ra chỉ thị. Ngay cả các thành viên trong Anonymous cũng không biết nhóm có bao nhiêu người, là những ai. Phương châm của nhóm là: "Bạn không thể chặt đầu một con rắn không đầu". Số lượng của Anonymous không hề cố định và tăng dần lên, trải dài khắp nơi trên thế giới.

Nhóm này thường tấn công theo các sự kiện nhằm thể hiện quan điểm chính trị nào đó, như đánh sập hệ thống của HBGary Federal vì đã hợp tác với FBI; thách thức PayPal, Visa, MasterCard vì không hỗ trợ Julian Assange (ông chủ WikiLeaks) hay tấn công website của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối luật kiểm duyệt Internet.

Anonymous cũng đánh sập các trang về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến, các cơ quan bảo vệ tác quyền, Hiệp hội Phim ảnh, Hiệp hội Công nghiệp thu âm của Mỹ, tập đoàn Sony. Thậm chí, nhóm đã trộm hàng nghìn thẻ tín dụng của Apple, Lực lượng không quân Mỹ... rồi chuyển tiền cho các tổ chức từ thiện với mục tiêu tặng 1 triệu USD nhân dịp giáng sinh và năm mới cho người nghèo.

Ngoài ra nhóm này cũng đã tấn công hàng trăm website, tài khoản Twitter được cho là có liên quan đến "Hồi giáo cực đoan" và khủng bố, đánh sập các thông tin và dữ liệu tuyên truyền kêu gọi tham gia vào tổ chức hồi giáo cực đoan ISIS...

Những cuộc tấn công của Anonymous luôn gây nhiều tranh cãi. Tùy tính chất của từng vụ, trong một số trường hợp, họ được ví như Robin Hood của thời đại số. Nhưng cũng có lúc họ bị coi như kẻ khủng bố, phá hoại. Tuy nhiên không thể phủ nhận, rất nhiều vụ việc tai tiếng nhờ Anonymous vào cuộc mà được lôi ra ngoài ánh sáng.

QT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/anonymous-lai-tung-don-voi-quan-doi-nga-sau-su-kien-thi-tran-bucha-tintuc817386