Thế giới

Bị Taliban vây hãm, chỉ huy lực lượng kháng cự cầu cứu Pháp

Cha của Ahmad Massoud là nhân vật rất có tiếng tăm tại Pháp, tuy vậy điều đó không đảm bảo tổng thống Emmanuel Macron sẽ hỗ trợ lực lượng chống Taliban tại Thung lũng Panjshir.

Mỹ đã rời khỏi Afghanistan, tuy vậy lực lượng chống Taliban tại nước này đang trông đợi sự hỗ trợ từ Pháp.

Đối với chỉ huy Ahmad Massoud, Pháp là cái tên đầu tiên ông nhắc tới khi gây dựng lực lượng chống Taliban ở Thung lũng Panjshir, phía Bắc thành phố Kabul.

Cha của Massoud, Ahmad Shah Massoud, là cái tên quen thuộc ở Pháp, nhờ chiến dịch chống Taliban trong thập niên 1990. Ông bị ám sát hai ngày trước vụ khủng bố 11/09/2001.

Trong bài viết đăng tải trên báo giới Pháp, Massoud, 32 tuổi, nói rằng nước Pháp là hy vọng chính của ông. Ông thậm chí đã tìm được một nhân vật trung gian là nhà báo Bernard-Henri Levy, người đã tới Thung lũng Panjshir để viết bài về ông trên tạp chí Paris Match hồi tháng 10/2020.

Trong bức thư gửi Levy, đăng trên tuần san Journal du Dimanche hôm 14/08, Massoud đề nghị nhà báo này trực tiếp khẩn cầu tổng thống Emmanuel Macron rằng "Pháp là hy vọng duy nhất" của lực lượng chống Taliban.

Bị Taliban vây hãm, chỉ huy lực lượng kháng cự cầu cứu Pháp
Ahmad Massoud (giữa, cầm micro) (Ảnh: AP)

Massoud tuy được giáo dục tại Anh, nhưng hiểu rõ rằng nước Pháp là nơi có thể kêu gọi hỗ trợ. Cha ông theo học tại một trường học ở Pháp, trở thành trung tâm chú ý của dư luận nước này nhờ bộ phim tài liệu "Massoud, l’Afghan", nói về những cuộc đấu tranh của ông tại Afghanistan.

"Pháp là đất nước mà cái tên Massoud gợi nhớ nhiều ký ức nhất, và Massoud ngày hôm nay là một thủ lĩnh phản kháng và cầm cự. Tôi cho rằng, với quan hệ lịch sử với Massoud cha, sẽ là bình thường nếu Pháp hỗ trợ ông ấy," Levy nói với trang tin Politico.

Levy cho biết ông đã trao đổi với Massoud hôm 21/08, và được ông này khẳng định rằng "đầu hàng không nằm trong suy nghĩ của tôi".

Tuy vậy, lúc này chính phủ Pháp vẫn chưa bình luận công khai về việc liệu họ có phản hồi những lời kêu gọi từ phía Massoud hay không. Theo giới chuyên gia, điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Taliban phản ứng với sức ép như thế nào, đặc biệt là sức ép từ Iran, về việc thành lập chính phủ đa dạng, bao gồm nhiều nhóm dân tộc và tôn giáo như người Tajik ở Panjshir hay người Hồi giáo Shiite ở Hazarajat, những nhóm nhiều khả năng sẽ chống Taliban.

Bản thân Massoud hồi tháng 03 từng tới Paris gặp tổng thống Macron và thị trưởng thành phố thủ đô Anne Hidalgo, tham gia lễ khánh thành con đường được đặt theo tên Massoud cha ở Champs Elysees.

"Chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với Massoud và đại diện của ông ấy. Ông ấy đã gửi một số thông điệp và cảnh báo chúng tôi rằng mọi thứ đang sụp đổ rất nhanh ở Afghanistan. Chúng tôi đang xem xét làm thế nào để tiếp tục hỗ trợ. Thị trưởng Paris lúc này có thể ủng hộ tinh thần và giúp Massoud được chú ý nhiều hơn," Arnaud Ngatcha, cố vấn của thị trưởng Hidalgo về các vấn đề quốc tế trả lời phỏng vấn Politico.

Thị trưởng Hildago đã làm đúng như vậy. Trong bài viết trên tờ Le Monde hôm 16/08, bà kêu gọi Pháp "hỗ trợ, khuyến khích, giúp đỡ" Massoud. Trong cuộc gặp hồi tháng 03, Massoud cũng từng thảo luận về "thúc đẩy quan hệ Afghanistan - Pháp" với tổng thống Macron.

Thủ lĩnh 32 tuổi cũng từng gặp các chính trị gia khác, trong đó có chủ tịch thượng viện Pháp Gerard Larcher và Valerie Pecresse, thống đốc khu vực Paris và cũng là ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới.

Sau khi Kabul thất thủ, Pecresse đã kêu gọi trên Twitter rằng Pháp cần "hỗ trợ nhóm phản kháng".

Tuy vậy, câu hỏi lúc này là liệu thiện cảm của người Pháp với Massoud có được cụ thể hóa bằng những hỗ trợ thực tế hay không.

Massoud hiện cùng cựu phó tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh chỉ huy lực lượng chống Taliban tại Thung lũng Panjshir. Tuy đây là khu vực có địa hình hiểm trở nhưng Massoud đang bị cô lập. Trong một bài viết trên tờ Washington Post, ông kêu gọi hỗ trợ "vũ khí, đạn dược và nhu yếu phẩm", do "các lực lượng quân sự và hậu cần của chúng tôi là không đủ".

Giới chức Pháp hiện vẫn lảng tránh câu hỏi về việc liệu nước này có thể hỗ trợ gì cho Massoud, theo Politico. Một phát ngôn viên của Điện Elysee cho biết "Pháp vẫn duy trì liên lạc với Massoud từ khi ông ấy tới thăm Paris". Bộ Ngoại Pháp lảng tránh câu hỏi kê trên, chỉ nói rằng ưu tiên hàng đầu lúc này là "sơ tán công dân Pháp" khỏi Afghanistan cũng như "bảo vệ người dân Afghanistan".

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)