Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Căng thẳng Ukraine: Mỹ và các đồng minh phạt Nga tới tấp

Tổng thống Mỹ hôm 22-2 tuyên bố áp đặt gói trừng phạt đầu tiên lên ngân hàng và giới tinh hoa Nga, đồng thời cam kết sẽ còn nhiều lệnh trừng phạt hơn liên quan đến căng thẳng ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng: "Đây là khởi đầu cho cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Nga giờ đây chắc chắn sẽ tiến vào Ukraine bằng cách công nhận độc lập những khu vực ly khai này".

Căng thẳng Ukraine: Mỹ và các đồng minh phạt Nga tới tấp
Tổng thống Mỹ tuyên bố áp đặt gói trừng phạt đầu tiên lên ngân hàng và giới tinh hoa Nga. Ảnh: Reuters

Đáp lại việc Nga không rút lực lượng khỏi Belarus ở phía Bắc Ukraine, ông Biden cho biết ông đã cho phép bổ sung các lực lượng và thiết bị của Mỹ ở châu Âu để tăng cường sức mạnh cho Estonia, Latvia và Lithuania. Theo ông Biden, đây chỉ là động thái phòng thủ và nhằm gửi thông điệp rằng Mỹ cùng với các đồng minh sẽ bảo vệ mọi tất đất của NATO.

Ông Biden cho hay các biện pháp trừng phạt trong đợt đầu sẽ áp dụng lên ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội Nga Promsvyazbank, ngân hàng thường thực hiện các giao dịch quốc phòng. Ông Biden cũng áp trừng phạt lên nợ chính phủ của Nga, đồng nghĩa với việc chính phủ Nga không thể tiếp cận nguồn tài chính phương Tây. Trước đó, Đức đã ngừng hoạt động đối với một đường ống dẫn khí đốt mới từ Nga và Anh cũng giáng đòn trừng phạt vào các ngân hàng Nga.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 22-2 cho biết chính phủ của ông sẽ trừng phạt các thành viên Quốc hội Nga, những người đã bỏ phiếu về quyết định công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk. Chính phủ ông Trudeau cũng sẽ cấm người Canada giao dịch tài chính với hai vùng Luhansk và Donetsk.

Căng thẳng Ukraine: Mỹ và các đồng minh phạt Nga tới tấp - 1
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 22-2 cho biết chính phủ của ông sẽ trừng phạt các thành viên Quốc hội Nga. Ảnh: Reuters

Canada sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với hai ngân hàng Nga do nhà nước hậu thuẫn và ngăn chặn bất kỳ giao dịch tài chính nào với họ. Song song đó, ông Trudeau cũng cho phép bổ sung quân đội đến khu vực.

Cùng ngày, Thượng viện Nga phê duyệt đề xuất điều quân đội ra nước ngoài do Tổng thống Putin đưa ra, mở đường cho hoạt động hỗ trợ lực lượng ly khai Ukraine.

Đề xuất triển khai quân đội ra nước ngoài của Tổng thống Vladimir Putin được Thượng viện Nga thông qua hôm 22-2 với 153 phiếu thuận, không có phiếu chống và phiếu trắng. Một nghị sĩ cho biết quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko nói trước cuộc bỏ phiếu: "Chúng tôi tin rằng đây sẽ là lực lượng gìn giữ hòa bình, có nhiệm vụ bảo đảm hòa bình và ổn định ở các nước cộng hòa tự xưng tại miền Đông Ukraine". Điện Kremlin cùng ngày thông báo Tổng thống Vladimir Putin đã phê duyệt hiệp ước hữu nghị với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR) tự xưng được quốc hội Nga thông qua trước đó.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko trước đó cho biết nước này chưa có kế hoạch triển khai quân đến các vùng ly khai ở Ukraine nhưng sẽ hành động nếu xuất hiện "mối đe dọa". Quan chức Nga cho rằng hiệp ước có điều khoản về viện trợ quân sự và kêu gọi các bên tránh đồn đoán về hoạt động triển khai lực lượng của nước này.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cang-thang-ukraine-my-va-cac-dong-minh-phat-nga-toi-tap-202202230722203.htm