Thế giới

Canh bạc sinh tử của bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép tim lợn

Các bác sĩ ở Baltimore (Mỹ) đã ghép thành công tim lợn biến đổi gene cho một bệnh nhân 57 tuổi trong nỗ lực cứu sống ông này.

Ba ngày sau ca phẫu thuật dài 9 giờ đồng đồ, bệnh nhân David Bennett, 57 tuổi, được cho là đang trong quá trình hồi phục. Giới chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định ca phẫu thuật thành công hay không, nhưng đây được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực ghép nội tạng động vật cho con người.

Bennett hiện có thể tự thở mà không cần máy thở trợ giúp, tuy vậy vẫn đang phải dùng hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO). Các bác sĩ hy vọng sẽ có thể giúp ông cai ECMO trong thời gian tới.

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland nhận xét cuộc phẫu thuật cho thấy trái tim của một cá thể động vật biến đổi gene có thể hoạt động tốt trong cơ thể người mà không bị thải loại ngay lập tức. Chưa dừng lại ở đó, điều này mang lại hy vọng giải quyết tình trạng thiếu cơ quan nội tạng để cấy ghép cho bệnh nhân.

Trước ca phẫu thuật, Bennett biết không có gì đảm bảo thử nghiệm ghép tim cho ông sẽ mang lại kết quả như mong đợi. Tuy vậy thời điểm đó ông đang chết dần, không được phép ghép tim người và không có lựa chọn nào khác, AP dẫn lời con trai ông cho biết.

“Hoặc là chết, hoặc là chấp nhận cuộc cấy ghép này,” Bennett nói một ngày trước ca phẫu thuật.

“Tôi muốn sống. Tôi biết đó là một lựa chọn may rủi, nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của tôi,” ông cho biết thêm.

Bác sĩ Bartley Griffith, giám đốc chương trình cấy ghép tim thuộc Trung tâm Y tế Đại học Maryland, người thực hiện ca phẫu thuật, nhớ lại rằng ông thông báo về thử nghiệm này cho Bennett vào tháng 12 năm ngoái. Ông cho biết đó là một cuộc trò chuyện “khá lạ”, nhưng đáng nhớ.

“Tôi nói, ‘Chúng tôi không thể ghép tim người cho ông, ông không đạt yêu cầu. Tuy vậy chúng tôi có thể ghép tim động vật, có thể là tim lợn. Chưa ai từng làm điều đó, nhưng chúng tôi nghĩ là có thể,” Griffith kể lại.

“Tôi không rõ bệnh nhân có hiểu tôi nói gì không. Và rồi ông ta hỏi, ‘Thế tôi có kêu ụt ịt như lợn không?”, vị bác sĩ nhớ lại.

Canh bạc sinh tử của bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép tim lợn
Bác sĩ Bartley Griffith (trái) và bệnh nhân David Bennett (Ảnh: AP)

Theo các chuyên gia, vài tuần tới sẽ là khoảng thời gian rất quan trọng cho quá trình hồi phục của Bennett. Các bác sĩ vẫn đang theo dõi chặt nhẽ các diễn biến sức khỏe của ông, đặc biệt là về tim.

Griffith cho biết trái tim được ghép cho Bennett vẫn hoạt động tốt và trông bình thường, nhưng các bác sĩ “không biết ngày mai điều gì sẽ xảy ra”.

“Từ trước tới nay chưa từng có cuộc phẫu thuật nào như thế này,” ông nói.

Bennett được mô tả là người khỏe mạnh trong phần lớn cuộc đời, nhưng bị đau ngực rất nặng từ tháng 10/2021, theo lời con trai ông. Ông tới khám tại  Trung tâm Y tế Đại học Maryland khi cảm thấy rất mệt mỏi và khó thở.

“Ông ấy không leo nổi ba bậc cầu thang,” con trai David của ông nhớ lại. David là một bác sĩ thể hình, do đó anh hiểu ngay bệnh tình của cha.

Bác sĩ Griffith giải thích rằng do Bennett mắc chứng suy tim và nhịp tim bất thường, ông không thể được ghép tim người hay lắp thiết bị hỗ trợ. Ông cũng không được xem xét vào danh sách chờ ghép tim người, do không nghe lời bác sĩ, bỏ qua các buổi khám bệnh được đặt lịch và không uống thuốc được kê đơn.

Tình trạng thiếu hụt nội tạng người để cấy ghép hiện đang rất nghiêm trọng, khiến giới khoa học phải nỗ lực tìm cách sử dụng nội tạng động vật thay thế. 

“Nếu thành công, chúng ta sẽ có nguồn cung nội tạng vô tận dành cho các bệnh nhân đang rất đau đớn vì bệnh tật,” tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, giám đốc khoa học của chương trình cấy ghép nội tạng động vật cho người tại Đại học Maryland nói.

Tuy vậy, các nỗ lực cấy ghép tương tự trong quá khứ đã thất bại, chủ yếu do cơ thể người đào thải nội tạng động vật rất nhanh. Năm 1984, Bé Fae, một bệnh nhi được ghép tim khỉ đầu chó chỉ sống được 21 ngày.

Khác biệt lần này là các bác sĩ tại Maryland đã sử dụng trái tim của một con lợn đã trải qua quá trình biến đổi gene để loại bỏ hợp chất đường trong tế bào vốn liên quan tới việc đào thải nội tạng. Trái tim lợn được sử dụng để cấy ghép cho Bennett được cung cấp bởi hãng dược Revivicor.

Trong trường hợp của Bennett, con lợn cung cấp tim cho ông đã được biến đổi gen 10 lần, trong đó có bốn gene bất hoạt, gồm một gene quy định phân tử gây ra tình trạng đào thải nội tạng. Một gene khác được chỉnh sửa trở thành bất hoạt để ngăn trái tim tiếp tục lớn sau khi đã được cấy ghép.

Bên cạnh đó, sáu gene người cũng được đưa vào bộ gene của cá thể lợn, để đảm bảo trái tim sẽ tương thích hơn với hệ miễn dịch con người.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, đơn vị giám sát các thử nghiệm tương tự, đã cho phép cuộc phẫu thuật diễn ra “vì lý do nhân đạo”, trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không còn lựa chọn nào khác.

Điều quan trọng lúc này là dữ liệu về cuộc phẫu thuật nên được chia sẻ rộng rãi cho cộng đồng khoa học, trước khi tính đến chuyện cấy ghép cho các bệnh nhân khác, theo Karen Maschke, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Hastings.

“Vội vàng thực hiện cấy ghép nội tạng động vật cho con người mà không có những thông tin cần thiết là không nên chút nào,” Maschke nói.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/canh-bac-sinh-tu-cua-benh-nhan-dau-tien-tren-the-gioi-duoc-ghep-tim-lon-tintuc805112