Thế giới

Giải mã Bảo tàng Mafia: Nhân vật bí ẩn trong tù khiến trùm 'mặt sẹo' khét tiếng Chicago sợ hãi

Al Capone, được biết đến với biệt danh “mặt sẹo”, là thủ lĩnh của băng đảng Chicago chuyên buôn lậu, mại dâm và cờ bạc trị giá hàng triệu USD trong gần một thập kỷ.

Al Capone tên đầy đủ là Alphonse Gabriel “Al” Capone, sinh ngày 17/1/1899 tại Brooklyn, New York, Mỹ. Đa số những băng đảng giang hồ ở New York đầu thế kỷ 20 đều xuất thân từ nghèo khổ, nhưng Capone lại không giống vậy. Hắn ta sinh ra trong một gia đình khá giả với nghề cắt tóc, có gốc là người Ý.

Giải mã Bảo tàng Mafia: Nhân vật bí ẩn trong tù khiến trùm 'mặt sẹo' khét tiếng Chicago sợ hãi
Alphonse Gabriel “Al” Capone

Mặc dù cha mẹ luôn cố gắng tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất nhưng Capone lại không trở nên ưu tú như những gì được kỳ vọng. Hắn ta bị đuổi học năm 14 tuổi vì đánh nữ giáo viên trong trường. Capone bắt đầu lang thang gần cảng biển, nơi thường xuyên diễn ra những vụ giao dịch, bắt cóc, gây gổ, tệ nạn nhất của thành phố.

Ban đầu, Capone đã nhận làm thêm một số công việc để kiếm tiền theo đuổi ước mơ trở thành cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp như đứng máy sản xuất trong công xưởng… Nhưng dần dần, vì sức quyến rũ của đồng tiền, Capone đã tham gia vào băng đảng đường phố tại Brooklyn để cướp bóc và gây gổ.

Một lần, Capone vì trêu ghẹo cô gái trong quán rượu mà bị người đàn ông đi cùng rạch mặt. Vụ tấn công để lại những vết sẹo trên khuôn mặt bên trái. Và từ đây, biệt danh “mặt sẹo” được ra đời.

Năm 14 tuổi, Capone gặp được Johny Torrio. Trong suốt khoảng thời gian đó, Capone thường xuyên làm “chân chạy vặt” cho Johnny và được hắn ta vô cùng tin tưởng. Những kẻ trong giang hồ đồn thổi nhau rằng Capone chính là đệ tử và cũng chính là người thừa kế sự nghiệp của Johnny. Bộ đôi thầy trò chia tay nhau khi Johny chuyển đến Chicago.

Giải mã Bảo tàng Mafia: Nhân vật bí ẩn trong tù khiến trùm 'mặt sẹo' khét tiếng Chicago sợ hãi - 1
Cảnh sát bên cạnh một nạn nhân bị băng nhóm của Capone hành hung trong cuộc vận động tranh cử

Năm 1918, Capone kết hôn với một cô gái Ailen thuộc tầng lớp trung lưu và trở thành một nhân viên kế toán cho một công ty xây dựng. Tại đây hắn được đánh giá là một nhân viên có năng lực. Tuy nhiên dương như quá đau buồn trước sự ra đi đột ngột của người cha, Capone đã tìm đến Johny.

Năm 1920, Capone đến Chicago theo lời mời của Johnny. Giống như khi xưa, Johny cho Capone làm quen lại bằng những công việc lặt vặt như bảo kê nhà thổ, đưa tin… Không lâu sau, bằng kinh nghiệm và đầu óc linh hoạt của mình, Capone đã leo lên được thành đối tác để giúp đỡ Johny trong những vụ làm ăn lớn.

Năm 1919, khi luật cấm rượu mạnh bắt đầu có hiệu lực ở Mỹ thì các băng đảng bắt đầu hoạt động mạnh mẽ hơn trong việc buôn rượu lậu. Năm 1925, Johny nghỉ hưu và Capone là người kế nghiệp. Hắn ta nhanh chóng trở thành ông hoàng tội phạm ở Chicago, chuyên điều hành những đường dây cờ bạc, mại dâm. Ông trùm còn mở rộng lãnh thổ qua những cuộc đấu súng hoặc bạo loạn với các băng đảng đối thủ.

Capone đã mua chuộc vô số sĩ quan cảnh sát và quan chức trong khu vực để kinh doanh những quán rượu lậu tại Chicago. Tuy nhiên, nhận ra mối quan hệ không thôi là chưa đủ, Capone quyết định tranh cử vào Hội đồng thành phố Cicero năm 1924.

Capone sẵn sàng bắt cóc, hành hung các ứng cử viên khác có khả năng “vượt mặt” hắn ta. Thậm chí, bất kỳ ai có ý định bầu cử cho người khác mà Capone phát hiện ra, hắn ta sẽ đe dọa, uy hiếp ép họ bỏ phiếu cho mình. Việc nắm trong tay cả tiền cả quyền khiến công việc buôn rượu bia lậu của ông trùm mafia ngày càng đạt.

Giải mã Bảo tàng Mafia: Nhân vật bí ẩn trong tù khiến trùm 'mặt sẹo' khét tiếng Chicago sợ hãi - 2
Bức ảnh vụ xả súng ngày 14/2 được công khai trên báo chí

Ông trùm mafia Chicago tưởng chừng như không bao giờ có thể bị bắt cho đến ngày đấu súng đẫm máu vào đúng dịp 14/2/1929. Vụ xả súng đã khiến người dân Chicago phản đối một cách gay gắt và yêu cầu chính phủ đưa ra những phương án xử lý.

Capone “độc quyền” buôn bán rượu bất hợp pháp ở Chicago, mang về số lợi nhuận khổng lồ khiến nhiều băng nhóm khác cũng muốn “hưởng sái” một phần giá trị trong công việc này, trong đó phải kể đến North Side Gang (Băng nhóm phía bắc). Lãnh đạo của North Side Gang là kẻ thù không đội trời chung với Capone, Moran. Ngay khi nhận thấy động tĩnh của Moran, Copane đã ngầm lên kế hoạch trừ khử đối thủ của mình.

Ngày 14/2/1929, băng nhóm của Capone đã đóng giả cảnh sát, phát động một cuộc đột kích giả mạo ở North Side Gang. Nhóm cảnh sát giả đã xếp 7 “đàn em” của Moran thành một hàng ngang rồi xả súng không ngừng.

May mắn thay, Moran đã thoát khỏi cuộc tàn sát vì được cảnh báo về sự nguy hiểm từ trước. Ngay sau khi hình ảnh các nạn nhân được công bố trên truyền thông, toàn bộ người dân Chicago đều vô cùng phẫn nộ trước trước hành động coi thường luật phát của Capone. Họ gay gắt yêu cầu chính phủ phải nhanh chóng có những động thái khống chế sự “ngạo mạn” của ông trùm khét tiếng này.

Dưới áp lực của người dân và truyền thông, cảnh sát đã phải tiến hành cuộc điều tra trong sự gượng ép. Tháng 5/1929, Capone bị bắt vì mang vũ khí trong chuyến đi tới Philadelphia và bị kết án tại Tòa án của Philadelphia.

Sau khi bị gửi đến nhà tù, Capone đã sử dụng những mối quan hệ của mình để được nhận đối đãi tử tế nhất trong tù. Trong khi các tù nhân khác phải sống trong những căn phòng bê tông chật chội với một chiếc giường lạnh lẽo, thì phòng giam của Capone lại được trang trí bằng những món đồ nội thất sang trọng, tiện nghi và cao cấp. Không những vậy, Capone còn được chu cấp radio để cập nhật thông tin bên ngoài và một vài bức tranh sơn dầu đắt tiền.

Những tưởng mối quan hệ sẽ khiến Capone có ngày tháng thoải mái trong tù nhưng không lâu sau, hắn ta như trở thành một con người hoàn toàn khác – sợ hãi, yếu đuối và hoảng loạn. Hàng đêm, khu tù giam luôn bị làm phiền bởi tiếng gào thét của Capone xua đuổi “Jimmy”.

Giải mã Bảo tàng Mafia: Nhân vật bí ẩn trong tù khiến trùm 'mặt sẹo' khét tiếng Chicago sợ hãi - 3
Phòng giam cho tù nhân bình thường (trái) và phòng giam của Capone trong tù (phải)

Mặc dù đã từng có người theo dõi để bắt giam nhân vật Jimmy theo yêu cầu của Capone vào ban ngày nhưng lại nhận thấy điều gì đó khả nghi. Nhiều người cho rằng Jimmy là hồn ma của một nạn nhân xấu số bị sát hại dưới tay của Capone vào ngày 14/2 định mệnh.

Sự dày vò vẫn bám dính Capone ngay cả khi hắn ta chuyển sang nhà tù Atlanta US Penitentiary để thụ án tiếp 11 năm tù vì tội trốn thuế. Năm 1931, Capone thậm chí còn thuê một bà đồng tên Alice Britt để giao tiếp với Jimmy. Hắn ta sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của Jimmy, song cuộc nói chuyện không thành công và Capone tiếp tục bị “bóng ma” dày vò.

Không chỉ bị Jimmy khủng bố, Capone còn được cho là mắc căn bệnh giang mai từ năm 20 tuổi khi đang làm việc trong nhà thổ. Vì không được điều trị triệt để nên căn bệnh đã “ăn” vào thần kinh dẫn đến chứng mất trí nhớ. Sau khi ngồi tù hơn 6 năm, Capone được đưa đến bệnh viện tâm thần ở Baltimore để điều trị.

Sức khỏe của Al Capone ngày càng yếu đi và đến năm 1946, các bác sĩ đã tiến hành một cuộc điều tra và kết luận: Trí óc của ông trùm mafia khét tiếng lẫy lừng ngày nào giờ chỉ dừng lại ở mức tư duy giống một đứa trẻ 12 tuổi mà thôi.

Ngày 25/1/1947, Capone qua đời vì bị ngừng tim ở bệnh viện Baltimore và Jimmy vẫn luôn là một bí ẩn không được giải đáp. Không ai chứng minh được Jimmy có đúng là hình bóng của nạn nhân bất hạnh quay trở về trả thù hay là do chứng ảo giác, đa nhân cách Capone tưởng tượng ra mà thôi…

Theo Han (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/giai-ma-bao-tang-mafia-nhan-vat-bi-an-trong-tu-khien-trum-mat-seo-khet-tieng-chicago-so-hai-a482997.html