Thế giới

Giáo sư Trung Quốc gợi ý giải quyết vấn đề dân số bằng chính sách... đa phu

Một giáo sư tại đại học Phúc Đán đã nêu tham luận ủng hộ việc đa phu nhằm ứng phó với việc mất cân bằng giới tính hiện tại của Trung Quốc.

Trong 3 năm trở lại đây, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực đảo ngược hậu quả của chính sách 1 con trong nhiều năm qua. Nhiều chính sách được áp dụng nhằm kích thích các cặp đôi sinh nhiều hơn 1 con.

Họ tuyên truyền với các gia đình trẻ rằng việc sinh 2 con là nghĩa vụ yêu nước. Họ giảm thuế, tăng trợ cấp, giảm chi phí đi học và tăng thời gian nghỉ phép. Các đạo luật chống ly hôn và phá thai cũng được thắt chặt.

Nhưng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc vẫn thấp, tình trạng nam thừa nữ thiếu vẫn phổ biến, tạo ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đe dọa tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập niên tới.

Nhằm giải quyết vấn đề đó, mới đây một giáo sư kinh tế học người Malaysia Yew-Kwang Ng - hiện đang giảng dạy ở đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đã đề xuất một giải pháp khác gây tranh cãi: cho phép phụ nữ lấy nhiều chồng để sinh nhiều con.

"Tôi không đề xuất giải pháp đa phu nếu mức chênh lệch giới tính không nghiêm trọng như hiện nay", ông Yew-Kwang Ng người Malaysia viết trên một trang web Trung Quốc. Tựa đề bài tham luận của ông có tên: "Liệu chính sách đa phu có thật sự là ý tưởng điên rồ?".

"Tôi không tuyên truyền cho ý tưởng này, tôi chỉ đang gợi ý rằng chúng ta nên xem xét phương án này như một giải pháp với mức chênh lệch giới tính như hiện nay".

Giáo sư Trung Quốc gợi ý giải quyết vấn đề dân số bằng chính sách... đa phu
Ảnh minh họa

Nhằm đổi lấy mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Trung Quốc đã duy trì chính sách chỉ sinh 1 con duy trì trong suốt 36 năm qua. Tuy nhiên, việc người dân Trung Quốc thường thích con trai hơn con gái đã khiến cho mức chênh lệch giới tính ở ngưỡng đáng báo động.

Dân số Trung Quốc hiện ở mức 1,4 tỷ người, trong đó 100 triệu người dưới 40 tuổi là con một. Nhưng quan niệm trọng nam khinh nữ và hành vi phá thai nếu phát hiện thai nhi là bé gái, khiến số lượng đàn ông ở Trung Quốc nhiều hơn phụ nữ 34 triệu người.

Ngoài ra, xu hướng phụ nữ trì hoãn kết hôn và chỉ sinh một con, thậm chí không sinh con đã tạo ra một quả bom hẹn giờ về dân số. Dân số Trung Quốc dự báo đạt đỉnh 1,45 tỷ người vào năm 2027, sau đó bắt đầu suy giảm. Khoảng một phần ba dân số sẽ trên 65 tuổi vào năm 2050.

Do đó, theo giáo sư Ng, gợi ý này nhằm giải quyết tình trạng nam thừa nữ thiếu bằng cách cho phép những người độc thân bất đắc dĩ chia sẻ tài nguyên phụ nữ khan hiếm.

"Nếu 2 người đàn ông đồng ý cưới chung một cô gái, và nếu cô gái đó tự nguyện thì xã hội có lý do gì để ngăn cản họ?", giáo sư người Malaysia viết. Ông cũng nói rằng việc đa phu, đa thê là một tập tục thường thấy ở các xã hội xưa và được tiếp tục thực hiện tại một số nước Hồi giáo.

"Tôi không phủ nhận ưu thế của chế độ một vợ một chồng, nó mang lại lợi ích cho sự phát triển và giáo dục trẻ em", Ng viết. "Tuy nhiên, tại Trung Quốc, khi mà tỷ lệ giới tính mất cân bằng nghiêm trọng, cần phải xem xét hợp pháp hóa chế độ đa phu".

Ông nói thêm rằng điều này cũng sẽ hiệu quả hơn khi phụ nữ sẽ không gặp phải vấn đề trong việc đáp ứng nhu cầu sinh lý của nhiều người chồng.

"Việc gái mại dâm tiếp hơn 10 khách một ngày là bình thường", ông nhận định. "Việc nấu cơm cho 3 người chồng cũng chẳng tốn thời gian hơn là bao so với nấu cho 2".

Bài tham luận của ông đã nhanh chóng được lan truyền trên các mạng xã hội của Trung Quốc. Rất nhiều phụ nữ đã có phản ứng tiêu cực với đề xuất này.

Nhiều người nói rằng bản thân vị giáo sư này không đặt mình vào vị trí của phụ nữ. Số khác cảm thấy "thật ghê tởm" với đề xuất này.

Ng vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Ông tuyên bố bài viết tiếp theo sẽ nói về biện pháp khắc phục mất cân bằng giới tính bằng cách hợp pháp hóa mại dâm.

"Một người đàn ông có quyền được thỏa mãn tình dục đang bị vi phạm nghiêm trọng nếu không cho phép mại dâm được hợp pháp hóa. Hợp pháp hóa mại dâm và xây dựng thêm nhiều nhà chứa sẽ cho phép đàn ông giải quyết 'nhu cầu cấp bách'", Ng viết.

Thiên Bình (Nguoiduatin.vn)