Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Giới khoa học cảnh báo: Biến thể Covid-19 mới được coi là 'lây nhiễm nhanh nhất thế giới' đã xuất hiện ở 31 quốc gia

Biến thể Lambda đã được phát hiện tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, sau khi Australia báo cáo về ca nhiễm biến thể này hôm 06/07.

Giới lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chú ý tới biến thể này sau khi nó được phát hiện tại Anh, Mỹ và Đức.

Được cho là phát hiện lần đầu ở Peru hồi mùa Hè năm ngoái, biến thể Lambda lây lan rất nhanh và hiện chiếm tới 81% số ca nhiễm của nước này.

Các bác sĩ lo ngại Lambda thậm chí còn dễ lây lan hơn hầu hết các biến thể khác, bao gồm cả biến thể Ấn Độ.

Giới khoa học cảnh báo: Biến thể Covid-19 mới được coi là 'lây nhiễm nhanh nhất thế giới' đã xuất hiện ở 31 quốc gia
Ảnh minh họa: AFP/Getty

Tuy vậy, giới khoa học cũng có nhiều nghi vấn về khả năng lây lan của Lambda, do nó đã được phát hiện ở Anh từ tháng 02 nhưng vẫn chưa trở nên phổ biến. Họ cho biết hiện chưa tìm thấy bằng chứng biến thể Lambda dễ lây nhiễm hơn biến thể Delta hay "Delta Plus".

Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học cũng khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng này chết chóc hơn, dù một số bác sĩ lo ngại sự lây lan của Lambda có liên quan đển việc Peru đang có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.

Giới khoa học cũng cho biết hai loại vaccine của Pfizer và Moderna đều hiệu quả trong việc phòng ngừa biến chủng này gây ra bệnh nặng.

Hôm 06/07, Australia trở thành quốc gia mới nhất ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Lambda, tuy vậy ca nhiễm này cũng đã được ghi nhận cách đây vài tháng.

Cụ thể, biến chủng này được phát hiện trên một hành khách được cách ly tại khách sạn ở New South Wales hồi tháng 04, theo Daily Mail.

WHO hồi tháng trước coi Lambda là "biến thể đáng chú ý" do khả năng lây lan cao. Giới chức Australia cho biết hiện chưa có bằng chứng biến thể này đã lây lan trong cộng đồng.

Giáo sư Pablo Tsukayama tại Đại học Cayetano Heredia ở Lima cho biết biến thể đã "bùng nổ" tại Peru, chiếm tới 81% số ca nhiễm tại nước này. Trước đó hồi tháng 12 năm ngoái, biến thể này chỉ xuất hiện ở 1/200 mẫu bệnh phẩm.

"Điều này cho thấy tỷ lệ lây nhiễm của Lambda có thể cao hơn bất kỳ biến thể nào khác," giáo sư Tsukayama nói với Financial Times.

Tuy vậy, các chuyên gia khác cho rằng hiện chưa có bằng chứng Lambda gây nguy cơ cao hơn các biến thể khác.

Jairo Mendez Rico, cố vấn về bệnh truyền nhiễm mới của Tổ chức Y tế châu Mỹ nói với Financial Times rằng "ở thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này lây lan nhanh hơn các biến thể khác".

"Có khả năng tỷ lệ lây lan của nó thực sự cao hơn, nhưng cần phải nghiên cứu thêm," ông này cho biết.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)