Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Liên Hợp Quốc cảnh báo: Covid-19 có thể trở thành 'bệnh theo mùa'

Covid-19 dường như có thể trở thành bệnh theo mùa, Liên Hợp Quốc hôm 18/03 cho biết, tuy vậy cảnh báo không nới lỏng các biện pháp phòng ngừa chống dịch theo yếu tố khí tượng.

Hơn một năm từ khi Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc, giới khoa học nhận định vẫn còn nhiều điều chưa biết về căn bệnh đã khiến gần 2,7 người tử vong trên toàn thế giới.

Trong báo cáo đầu tiên, một nhóm chuyện gia được giao nhiệm vụ xem xét ảnh hưởng của khí tượng và chất lượng không khí đối với sự lây lan của Covid-19, đã kết luận rằng một số bằng chứng cho thấy căn bệnh có thể trở thành bệnh theo mùa.

Liên Hợp Quốc cảnh báo: Covid-19 có thể trở thành 'bệnh theo mùa'

Nhóm chuyên gia 16 người được thành lập bởi Tổ chức Khí tượng học Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng các bệnh nhiễm virus đường hô hấp thường theo mùa, "đặc biệt đỉnh dịch cúm và cảm do virus corona vào mùa Thu - Đông trong điều kiện thời tiết ôn hòa".

"Điều này dẫn tới nhận định rằng, nếu còn kéo dài thêm nhiều năm, Covid-19 sẽ trở thành bệnh theo mùa," tuyên bố của nhóm chuyên gia cho biết.

Các nghiên cứu mô hình dự đoán việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 "dần dần sẽ theo mùa".

Tuy vậy, lây nhiễm Covid-19 hiện nay dường như chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp can thiệp của con người, chẳng hạn quy định bắt buộc đeo khẩu trang hay giới hạn di chuyển thay vì thời tiết, theo nhóm chuyên gia.

Nhóm chuyên gia từ đó kết luận không thể nới lỏng phòng chống Covid-19 chỉ dựa trên các điều kiện thời tiết và khí hậu.

"Hiện tại, bằng chứng không ủng hộ việc coi các yếu tố khí tượng và chất lượng không khí là cơ sở để chính phủ các nước nới lỏng các biện pháp căn thiệp nhằm mục đích ngăn chặn lây nhiễm," đồng trưởng nhóm chuyên gia Ben Zaitchik, nhà khoa học thuộc Đại học John Hopkins cho biết.

Zaitchik chỉ ra rằng trong năm đầu đại dịch Covid-19, số lượng ca nhiễm tại một số nơi đã tăng trong các mùa ấm nóng và "không có bằng chứng cho thấy điều này sẽ lặp lại trong năm nay".

Nhóm chuyên gia cho biết kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm đã chứng minh rằng virus có thể tồn tại lâu hơn trong thời tiết lạnh, khô và bức xạ tia cực tím thấp.

Tuy vậy hiện chưa rõ các yếu tố khí tượng "liệu có ảnh hưởng đủ lớn tới tốc độ lây nhiễm trên điều kiện thực tế hay không". Đồng thời, họ nhấn mạnh các bằng chứng về tác động của chất lượng không khí đối với virus vẫn "chưa xác định".

Đã có bằng chứng sơ bộ cho thấy chất lượng không khí thấp làm tăng tỷ lệ tử vong vì Covid-19, tuy vậy chưa có bằng chứng rằng "ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp tới SARS-CoV-2 lây lan trong không khí".

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)