Thế giới

Mỹ chuẩn bị xả kho dự trữ dầu chiến lược quy mô lớn

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét kế hoạch xuất kho 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, động thái sẽ bổ sung lượng lớn dầu vào thị trường toàn cầu, theo nguồn tin của New York Times.

Ông Biden có thể công bố kế hoạch xả kho dự trữ dầu sớm nhất là trong ngày 31.3, nguồn tin cho biết. Theo lịch trình công khai của tổng thống Mỹ được công bố tối 30.3, ông Joe Biden sẽ có phát biểu trong chiều 31.3 về các biện pháp của chính quyền nhằm giảm thiểu tác động giá năng lượng với các gia đình Mỹ.

Giá dầu thô tiêu chuẩn Mỹ West Texas Intermediate giảm khoảng 4% vào cuối ngày 30.3 sau khi kế hoạch xả kho dự trữ dầu của Mỹ được Bloomberg đưa tin. Giá dầu thô Brent, tiêu chuẩn toàn cầu, cũng giảm tương tự, khoảng 3,5%.

Mỹ chuẩn bị xả kho dự trữ dầu chiến lược quy mô lớn
Hệ thống đường ống xuyên Alaska tại Fairbanks, Alaska, Mỹ. Ảnh: AFP

Nếu được ban hành, kế hoạch của Tổng thống Joe Biden sẽ giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ, nhằm giúp Mỹ vượt qua nhu cầu tăng đột biến hoặc giảm nguồn cung. Khoảng 550 triệu thùng dầu đang được dự trữ, với tổng công suất báo cáo là khoảng 714 triệu thùng.

Vào tháng 11 năm ngoái, ông Biden đã giải phóng 50 triệu thùng từ kho dự trữ xăng dầu, số lượng mà nhiều chuyên gia cho rằng quá nhỏ để làm tăng đáng kể nguồn cung dầu toàn cầu hoặc làm giảm giá dầu. Ngày 1.3, ông Biden thông báo giải phóng thêm 30 triệu thùng, phối hợp với việc giải phóng thêm 30 triệu thùng từ các nước khác trên thế giới.

Mỹ tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày. Việc ông Biden tung ra 50 triệu thùng hầu như không làm ảnh hưởng đến thị trường. Thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày và giá được thiết lập trên thị trường toàn cầu. Đợt xả kho dự trữ của Mỹ đã được thực hiện với sự phối hợp của các chính phủ khác trên thế giới, bao gồm Anh, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kho dự trữ dầu khẩn cấp của Mỹ đặt tại Texas và Louisiana. Việc dự trữ được thực hiện sau lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973-1974 của các thành viên Arab của OPEC và được dùng trong các trường hợp khẩn cấp như sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và hậu quả của cơn bão Katrina năm 2005, khi phần lớn cơ sở hạ tầng dầu mỏ dọc theo Vịnh Mexico bị hư hại.

Theo Thanh Hà (Lao Động)




https://laodong.vn/thoi-su-quoc-te/my-chuan-bi-xa-kho-du-tru-dau-chien-luoc-quy-mo-lon-1029335.ldo