Thế giới

Mỹ ráo riết gom tin tình báo về Trung Quốc, nâng cấp Ngũ nhãn thành Cửu nhãn

Nhiều quan chức Mỹ muốn Washington đưa thêm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức vào nhóm chia sẻ thông tin tình báo.

Mỹ ráo riết  gom tin tình báo về Trung Quốc, nâng cấp Ngũ nhãn thành Cửu nhãn

MỸ MUỐN MỞ RỘNG NGŨ NHÃN THÀNH CỬU NHÃN

Mất khoảng 30 phút di chuyển từ nhà ga Shinjuku sầm uất, khu vực Wakamatsucho là một trong những khu vực có điểm cao nhất ở trung tâm thủ đô Tokyo. Một toà nhà ở gần trên ngọn núi tại đây là nơi đặt vị trí của Radiopress, hãng thông tấn chuyên giám sát các thông tin truyền thanh phát đi từ Triều Tiên.

Năm 1941, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thiết lập một "phòng radio" để thu thập thông tin từ các cơ sở đối địch. Kể từ khi trở thành Radiopress vào năm 1946, cơ quan này đã thực hiện các nhiệm vụ giám sát tín hiệu truyền thanh và vệ tinh từ những nước lân cận, qua đó trở thành một cấu phần quan trọng trong hệ thống thu thập thông tin tình báo của Nhật Bản.

Dù Radiopress chỉ giám sát các thông tin được phát đi chính thống, khối lượng thông tin mà nó thu được trong 80 năm qua - liên tục 24/7 trong 365 ngày, đã giúp phát hiện những thay đổi dù là nhỏ nhất.

Những chiếc anten tại Wakamatsucho giúp Radiopress thu thập thông tin từ Bình Nhưỡng một cách rõ ràng.

Cho dù ngày nay việc thu thập thông tin tình báo đã chuyển sang môi trường mạng, hình ảnh vệ tinh hay truy vết các tín hiệu phát đi từ các tên lửa đạn đạo, vị trí địa lý gần gũi của Nhật Bản tới các nước như Triều Tiên và Trung Quốc cũng như một đội quân hùng hậu các chuyên gia ngôn ngữ am hiểu tiếng Hàn và Trung đã giúp Tokyo có cái nhìn thấu đáo về các nước láng giềng.

Các báo cáo từ cơ quan này được gửi tới cơ quan tình báo hàng đầu của Nhật Bản - Văn phòng Nghiên cứu và Tình báo Nội các - Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các đơn vị truyền thông.

Nhiều quan chức Mỹ muốn Washington tiếp cận các thông tin này của Nhật Bản. Nghị sĩ Ruben Gallego, người giữ vị trí đứng đầu tiểu Uỷ ban tình báo và hoạt động đặc biệt thuộc Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đã từng đưa một điều khoản vào ngân sách quốc phòng 2022 của Mỹ trong đó đề xuất mở rộng thoả thuận chia sẻ thông tin tình báo "Ngũ nhãn" gồm Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, và Canada, thêm các nước gồm Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức.

Đề xuất này sẽ cần giám đốc cơ quan tình báo quốc gia cùng với Bộ trưởng Quốc phòng, cung cấp báo cáo lên Quốc hội vào tháng 5 về thoả thuận tình báo hiện tại giữa nhóm Ngũ nhãn, "cũng như nêu rõ cơ hội để mở rộng thoả thuận này với các quốc gia khác".

Được biết, báo cáo dự kiến sẽ bao gồm "các thông tin cụ thể về cách thức mà các quốc gia mới có thể đóng góp", cũng như xác định các rủi ro liên quan đến việc mở rộng thoả thuận trên.

Trong một hội thảo trực tuyến với chuyên trang an ninh Defense One, Gallego nói rằng Washington cần mở rộng hợp tác khi Mỹ không thể chỉ trông đợi vào các cơ chế tình báo hậu chiến tranh thế giới thứ hai, vốn xoay quanh ngôn ngữ tiếng Anh.

"Chúng ta cần mở rộng quy mô, thay vì chỉ vẫn dựa vào những đồng minh có chung ngôn ngữ," ông nói.

NHIỆM VỤ CÓ KHẢ THI?

Tuy nhiên, một quan chức từ một trong nhóm Ngũ nhãn nhận định khả năng mở rộng mạng lưới này là không cao.

"Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của các đối tác và luôn luôn đẩy mạnh việc trao đổi trên từng vấn đề. Nhưng khả năng mở rộng từ Ngũ nhãn thành Cửu nhãn khó có thể diễn ra vào lúc này".

Tháng 12 năm ngoái, Armitage-Nye, đứng đầu bởi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Richard Armitage và Joseph Nye, cựu hiệu trưởng tường Chính phủ John F.Kennedy thuộc đại học Harvard, đã kêu gọi kết nạp thêm Nhật Bản vào Ngũ nhãn.

"Mỹ và Nhật Bản cần thúc đẩy nghiêm túc hơn nỗ lực hướng tới mạng lưới Lục nhãn", báo cáo nói.

Một quan chức chính phủ Nhật xác nhận với Nikkei rằng "nhiều quốc gia đang tiếp cận cộng đồng tình báo Nhật để biết thêm thông tin về các nước trong khu vực. Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về văn hoá [với Trung Quốc và Triều Tiên], và nhiều quốc gia đánh giá cao khả năng phân tích của chúng tôi".

Nhưng Nhật Bản thiếu một cơ quan quy mô như Cơ quan Tình báo Trung Ương Mỹ (CIA), và các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Tokyo vẫn còn nhỏ về quy mô. Nhưng Tân Thủ tướng Fumio Kishida có thể lựa chọn việc mở rộng hoạt động thu thập và chia sẻ thông tin với những cơ chế như Ngũ nhãn, quan chức này nói.

Khi ông Kishida chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia lần đầu tiên vào ngày 13/10, ông đã nhấn mạnh việc cần thiết phải xem xét lại chính sách an ninh vốn đã kéo dài 8 năm qua để đáp ứng các thách thức hiện nay.

Bất chấp các vấn đề về kĩ thuật, những quốc gia như Nhật và Hàn Quốc có những yếu tố mà Ngũ nhãn hiện nay còn thiếu, Bruce Klingner, cựu nhân viên CIA và là nhà nghiên cứu tại Quỹ Heritage,

"Mỗi quốc gia có các cơ quan tình báo và năng lực thu thập thông tin khác nhau, và các quốc gia khác nhau cũng có thể tiếp cận một số mục tiêu dễ dàng hơn. Rõ ràng, Hàn Quốc có thể thu thập thông tin từ Triều Tiên rất hiệu quả bởi sự tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa".

"Như trong các môn thể thao đồng đội, mỗi vận động viên có các đặc điểm khác nhau, và khi tập hợp lại, cả đội sẽ mang lại hiệu quả lớn. Nếu bỏ qua những điểm trùng lắp và tập hợp các điểm mạnh của từng thành viên, lợi ích là điều khó có thể bàn cãi".

Theo Minh Khôi (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/my-rao-riet-gom-tin-tinh-bao-ve-trung-quoc-nang-cap-ngu-nhan-thanh-cuu-nhan-161211211190022329.htm