Thế giới

Năng lực phòng thủ cực mạnh của tên lửa Ấn Độ

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Ấn Độ được xây dựng dựa trên tên lửa phát triển trong nước, radar của Israel và hệ thống điều khiển hỏa lực của Pháp với tầm cao đánh chặn 120 km.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Ấn Độ được xây dựng dựa trên tên lửa phát triển trong nước, radar của Israel và hệ thống điều khiển hỏa lực của Pháp với tầm cao đánh chặn 120 km.
 
Tên lửa đánh chặn AAD trong một thử nghiệm. Ảnh: Swarajyamag

Lá chắn tên lửa là công cụ răn đe hiệu quả đối với các cường quốc trên thế giới. Một khi thiết lập được lá chắn tên lửa, quốc gia đó sẽ có trong tay công cụ vô hiệu hóa đợt tấn công hạt nhân đầu tiên của đối phương để tiến hành tấn công đáp trả. Tạo hiệu ứng tâm lý không chắc chắn về sự hiệu quả của đợt tấn công đầu tiên cho đối phương, giảm áp lực chính trị về một cuộc tấn công phủ đầu.

Khả năng răn đe của lá chắn tên lửa là rất lớn, nên những năm Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã nhất trí ký Hiệp ước Chống Tên lửa đạn đạo (còn gọi Hiệp ước ABM) nhằm hạn chế việc phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo ở hai nước.

Năm 2001, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước ABM để mở rộng lá chắn tên lửa. Nga cũng đầu tư phát triển các hệ thống đánh chặn tiên tiến để nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM đã tạo điều kiện cho các cường quốc như Ấn Độ phát triển lá chắn tên lửa.

Cấu hình hệ thống

Theo Arms Control, lá chắn tên lửa của Ấn Độ được phát triển thành 2 tầng. Trong đó, Prithvi Air Defence (PAD) đảm nhận đánh chặn tầm cao bên ngoài bầu khí quyển. PAD sử dụng tên lửa đánh chặn sửa đổi từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi để đánh chặn tên lửa ở độ cao từ 80-120 km bên ngoài bầu khí quyển.

Nang luc phong thu cuc manh cua ten lua An Do hinh anh 1
Radar EL/M-2080, mắt thần của lá chắn tên lửa Ấn Độ. Ảnh: Koreatimes

Thành phần thứ hai là Advanced Air Defence (AAD), đảm nhận đánh chặn bên trong bầu khí quyển. AAD sử dụng tên lửa đánh chặn phát triển từ hệ thống phòng không Akash, còn gọi là Ashwin để đánh chặn ở độ cao từ 15-30 km.

Với hệ thống đánh chặn hai tầng, lá chắn tên lửa của Ấn Độ có thể vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo có tầm bắn 2.000 km. Cảm biến chính của hệ thống là radar Swordfish, biến thể xuất khẩu cho Ấn Độ của hệ thống radar cảnh báo sớm EL/M-2080 Green Pine do Israel chế tạo.

Radar có thể theo dõi đồng thời 200 mục tiêu ở khoảng cách từ 600-800 km. Đây là loại radar cảnh báo sớm và dẫn hướng cho tên lửa đánh chặn hàng đầu thế giới. Tuy vậy, phía Ấn Độ vẫn chưa hài lòng với loại radar này cũng như khả năng đánh chặn của hệ thống.

DRDO cho biết đã lên kế hoạch mở rộng khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn 5.000 km. Các hệ thống đánh chặn này được gọi là AD-1 và AD-2.

Hệ thống này sẽ được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo có tốc độ lên đến Mach 12-15. Ngoài ra, DRDO cũng có kế hoạch nâng cấp radar cảnh báo sớm Swordfish với khả năng phát hiện mục tiêu lên đến 1.500 km. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang phát triển các vệ tinh địa tĩnh để sử dụng cho mục đích phát hiện sớm và hỗ trợ dẫn hướng cho tên lửa đánh  chặn.

Những hệ lụy

Lá chắn tên lửa luôn là vấn đề gây tranh cãi. Khả năng của Ấn Độ trong việc phát triển và mở rộng lá chắn tên lửa đến đâu luôn là một dấu hỏi. Tuy nhiên, việc phát triển và mở rộng lá chắn tên lửa để bảo vệ các khu vực rộng lớn của đất nước có thể phản tác dụng.

Nang luc phong thu cuc manh cua ten lua An Do hinh anh 2
Tên lửa đánh chặn tầm cao PAD (trái) và tầm thấp AAD (phải) của lá chắn tên lửa Ấn Độ. Ảnh: Business Standard.

Giáo sư Petr Topychkanov, làm việc tại Chương trình không phổ biến vũ khí, thuộc Trung tâm Carnegie Moscow nhận xét, mặc dù đã đầu tư rất nhiều tiền cho chương trình phòng thủ tên lửa, nhưng lá chắn này có thể không bảo vệ được Ấn Độ trước cuộc tấn công bằng tên lửa nếu có.

Ngoài ra, công nghệ phòng thủ tên lửa rất phức tạp, New Delhi có thể phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để phát triển thành công lá chắn tên lửa đáng tin cậy. Quá trình phát triển cần nguồn tài chính khổng lồ mà có thể vượt quá khả năng của New Delhi. Việc theo đuổi lá chắn tên lửa có thể dẫn đến thâm hụt ngân sách, tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ xây dựng lá chắn tên lửa sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Với Pakistan, lá chắn tên lửa của Ấn Độ là mối đe dọa với an ninh quốc gia của họ. Pakistan vốn rất nhạy cảm với các kế hoạch phát triển quân sự của Ấn Độ.

Đối với Trung Quốc, việc Ấn Độ xây dựng lá chắn tên lửa sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ phát triển các vũ khí để có thể xuyên thủng lá chắn tên lửa của Ấn Độ. Chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 với khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân để xuyên thủng lá chắn tên lửa là một minh chứng.

Bắc Kinh đã phát triển và thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh. Gần đây, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói rằng, quân đội nước này đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa.

“Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ cải thiện khả năng tự bảo vệ của Trung Quốc và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, và cũng không ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược quốc tế”, ông Dương nói. Ông cho biết thêm, Trung Quốc đang xem xét các biện pháp không xác định để duy trì cân bằng chiến lược trong khu vực.

Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản ánh cuộc chạy đua phát triển lá chắn tên lửa ở châu Á đang trở nên gay cấn. Bên cạnh đó, việc Washington xoay trục sang châu Á, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở bán đảo Triều Tiên, góp phần làm cho cuộc đua phòng thủ tên lửa trở nên khốc liệt, tạo ra nhiều mối nguy cơ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo Quốc Việt (Zing.vn)