Thế giới

Nga 'hắt hủi' Su-57: Đâu mới là lý do đích thực?

Quá trình vận hành trong khoảng 1 thập kỷ trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt sẽ giúp Nga có thêm thời gian để điều chỉnh thiết kế, cải tiến các tính năng chiến đấu cho Su-57.

Nga đã quyết định hoãn lại chương trình sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 Su-57 và chỉ đặt mua có 12 chiếc cho đơn hàng đầu tiên.

Với một quốc gia nhỏ hơn Nga, 12 chiếc máy bay tối tân cỡ như Su-57 có thể trở thành những vũ khí làm "thay đổi cuộc chơi". Chẳng hạn như Indonesia,11 chiếc Su-35 mà nước này mua của Nga cũng đủ sức "làm nên chuyện". Nhưng với Không quân Nga - lực lượng có số máy bay chỉ đứng thứ hai sau Mỹ thì 12 chiếc Su-57, có lẽ còn quá nhỏ bé.

Những chiếc Su-57 phiên bản đầu tiên trang bị các công nghệ thế hệ 5, mặc dù Nga tuyên bố như thế cũng là quá đủ nếu phải chiến đấu với F-22 Raptor của Mỹ, nhưng để đối chọi với mẫu tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ 6 sắp tới mà Washington đang tập trung phát triển thì vai trò của các biến thể Su-57 hiện nay sẽ như thế nào vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Nhưng có điều chắc chắn là trong giai đoạn quá độ này, Su-57 sẽ tiếp tục được Nga nâng cấp và hiện đại hóa.

Xét tới thực tế các công nghệ mới nhất trang bị cho máy bay thế hệ 6 vẫn đang được Nga tích cực kiểm nghiệm đánh giá thì nhiều khả năng tới đây Su-57 sẽ được sản xuất hàng loạt với tư cách là một chiến đấu cơ thuộc thế hệ 6 chứ không còn là thế hệ 5 nữa.

Nga 'hắt hủi' Su-57: Đâu mới là lý do đích thực?
Các máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-57 và Su-35 Nga

Cần phải thấy rằng, giá trị đích thực của Su-57, ngoài việc nâng cao thanh thế cho Nga là nước thứ 3 trên thế giới đã phát triển được máy bay tàng hình thế hệ 5, phải nằm ở kinh nghiệm vận hành các công nghệ tân tiến thế hệ kế tiếp.

Bay huấn luyện và chiến đấu với các máy bay thế hệ tiếp theo sẽ mang lại cho các phi công Nga những bí quyết vô giá nên một khi đã đưa biến thể Su-57 thế hệ 6 vào sản xuất hàng loạt thì họ đã rất quen thuộc với hoạt động của nó rồi.

Giống như việc Su-35 thực chiến tại Syria đã mang lại cho Quân đội Nga những kinh nghiệm vô cùng giá trị và giúp Không quân nước này đưa ra những hiệu chỉnh, cải tiến mới nhằm tối ưu hóa khả năng chiến đấu của nó.

Đầu năm 2018, các nguyên mẫu Su-57 trang bị vũ khí đã được Nga triển khai tới Syria. Khi đó, dù mới chỉ tham chiến ngắn ngày nhưng chắc chắn Nga đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm, thực sự là những kiến thức quý báu cho các nhà chế tạo Su-57.

Do đó, quá trình vận hành trong khoảng 1 thập kỷ trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt sẽ giúp Nga có thêm thời gian để điều chỉnh thiết kế, cải tiến các tính năng, lắp đặt thêm các công nghệ mới cho Su-57, biến nó trở thành một cỗ máy hoàn hảo hơn. 

Theo Anh Tú (Soha/Trí Thức Trẻ)