Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Nghiên cứu chỉ ra nhóm máu dễ nhiễm Covid-19 nhất

Những người nhóm máu A có thể dễ nhiễm chủng mới coronavirus hơn, trong khi những người nhóm máu O dường như có đề kháng tốt hơn, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã xem xét dữ liệu về mẫu máu của hơn 2.000 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Vũ Hán và Thâm Quyến, đồng thời so sánh với máu của người khỏe mạnh trong cùng khu vực. Họ cho biết những người nhóm máu A có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn và triệu chứng nặng hơn.

Tuy đây chỉ là nghiên cứu mang tính chất sơ bộ và cần được mở rộng, các nhà khoa học đã kêu gọi nhà chức trách và các cơ sở y tế xem xét sự khác biệt giữa các nhóm máu để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh và điều trị cho bệnh nhân hiệu quả hơn.

"Những người thuộc nhóm máu A có thể cần các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hơn để tránh nguy cơ nhiễm bệnh," nhóm nghiên cứu do ông Wang Xinghuan đứng đầu cho biết.

"Những bệnh nhân nhóm máu A nhiễm SARS-CoV-2 cần được giám sát chặt chẽ và điều trị chủ động hơn," Wang viết.

Nghiên cứu chỉ ra nhóm máu dễ nhiễm Covid-19 nhất
Ảnh minh họa: Shutterstock

Trong khi đó, "những người nhóm máu O ít nguy cơ nhiễm bệnh hơn rõ rệt so với các nhóm máu khác," nghiên cứu được đăng tải trên trang web  Medrxiv.org hôm 11/03 cho hay.

Trong số 206 bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại Vũ Hán được các nhà khoa học xem xét, có 85 người nhóm máu A và 52 người nhóm máu O. Sự khác biệt này vẫn được duy trì khi các nhà nghiên cứu xem xét nhiều nhóm bệnh nhân khác theo độ tuổi, giới tính.

"Việc áp dụng hệ thống nhóm máu ABO đối với bệnh nhân cũng như nhân viên y tế có thể sẽ đem lại tác dụng tích cực trong việc kiểm soát SARS-CoV-2 và các bệnh truyền nhiễm do coronavirus khác," nghiên cứu nhận định.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các bác sĩ tại nhiều thành phố ở Trung Quốc, trong đó có Bắc KInh, Vũ Hán, Thượng Hải và Thâm Quyến. Nghiên cứu hiện chưa được bình duyệt, và các tác giả cảnh báo việc áp dụng nghiên cứu vào điều trị lâm sàng có thể không đem lại tác dụng mong muốn.

Gao Yingdai, nhà nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm ở Thiên Tân đánh giá rằng nghiên cứu cần được thực hiện trên cỡ mẫu lớn hơn. 2.000 bệnh nhân không phải là cỡ mẫu nhỏ, tuy vậy trên Thế giới hiện đã ghi nhận hơn 180.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Nghiên cứu có một hạn chế khác là không đưa ra được giải thích rõ ràng nào về hiện tượng này, chẳng hạn như tương tác phân tử giữa virus và hồng cầu là như thế nào, Gao nói.

Nghiên cứu về sự khác biệt giữa các nhóm máu đã được thực hiện đối với các căn bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm bệnh do Norovirus gây ra, viêm gan B hay Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).

Gao Yingdai cho rằng nghiên cứu nói trên "có thể sẽ hữu ích đối với y bác sĩ và nhân viên y tế, tuy vậy người dân không nên quá bận tâm tới những thống kê".

"Nếu bạn có nhóm máu A, không có gì phải hoảng loạn cả. Điều đó không có nghĩa là bạn chắc chắn nhiễm bệnh. Nếu bạn có nhóm máu O cũng không có nghĩa là chắc chắn sẽ an toàn, bạn vẫn cần tuân thủ khuyến nghị của giới chức y tế địa phương," Gao nói.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)