Thế giới

Nguyên nhân số 1 khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải bắn rơi Su-24

Sau vụ Su-24, các chuyên gia đã mất nhiều thời gian và tâm huyết để giải mã nguyên nhân vì sao Ankara bất chấp hậu quả để bắn rơi Su-24 Nga.

Sau vụ Su-24, các chuyên gia đã mất nhiều thời gian và tâm huyết để giải mã nguyên nhân vì sao Ankara bất chấp hậu quả để bắn rơi Su-24 Nga.

Vụ việc Su-24 đã tốn khá nhiều thời gian và giấy mực của truyền thông và các chuyên gia quân sự, chính trị trên thế giới. Hiện có những nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là:

Thứ nhất: Do Nga không kích dữ dội vào khu vực kiểm soát của nhóm phiến quân Turkmen (người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Thổ Nhĩ Kỳ chạy sang đầu quân). Đây là nhóm phiến quân Syria được Ankara hậu thuẫn để lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ankara không thể để đứa con của mình bị tiêu diệt trong tay Nga, mất vùng đệm an ninh ở khu vực biên giới phía bắc Syria, tức phía nam Thổ Nhĩ Kỳ nên Ankara buộc phải bắn rơi Su-24 để dằn mặt, làm Moscow nhụt chí, thậm chí gây ra làn sóng phản đối ở trong nước, buộc Điện Kremlin phải lui quân.

Thứ 2: Do Nga không kích phá hủy các mỏ dầu, đặc biệt là các mỏ ở Alepo và các tuyến đường vận chuyển dầu lậu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS lên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cắt đứt tuyến đường viện trợ vũ khí-trang bị và tiếp tế hậu cần cho lực lượng Turkmen.

Mối quan hệ hết sức phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng vũ trang người Kurd


Các chuyên gia theo thuyết này cho rằng, chính quyền Erdogan đã bắt tay với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, mua dầu lậu của IS với giá hời rồi đem bán kiếm lời thu hàng tỷ USD, đồng thời kéo giá dầu tụt xuống để gián tiếp đánh vào cái “bao tử” của Nga.

Do đó, Moscow buộc phải không kích mạnh, hỗ trợ quân đội Syria “dọn sạch” khu vực biên giới khiến Ankara mất nguồn cung cấp dầu, mất tuyến đường cung cấp viện trợ cho nhóm phiến quân Turkmen. Do đó, Ankara phải bắn rơi máy bay Nga để ngăn chặn hoạt động này.

Thứ 3: Ngăn chặn sự bắt tay giữa Nga và NATO trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq, ngăn chặn khả năng Moscow và Brusells mời các tổ chức dân quân người Kurd tham gia vào tiến trình hòa bình ở Syria và Iraq.

Ngoài ra, còn một giả thuyết liên quan đến vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ muốn tái lập đế chế Ottoman thống trị khu vực như trong quá khứ. Tuy nhiên, giả thuyết này có tính thực tiễn không cao. Bởi dù ngông cuồng đến mấy, chính quyền Erdogan cũng biết được mình là ai và khả năng đến đâu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cùng bị nhiều nước tố tiếp tay buôn dầu lậu cho IS


Trên thực tế, cả 3 nguyên nhân chính được chỉ ra ở trên tuy đều đúng nhưng nó chỉ là những hành động bên ngoài, không phản ánh được bản chất của vấn đề. Hơn nữa, mục đích chính của những hành động này không phải như thế và nó cũng không mang lại hiệu quả gì.

Sau vụ Su-24, ngoài những biện pháp trừng phạt mà Moscow đưa ra với Ankara, Nga thậm chí còn tiến hành không kích mạnh hơn vào con đường buôn lậu dầu và hỗ trợ cho các nhóm phiến quân của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hợp tác giữa Nga với Mỹ và liên quân còn tiến triển hơn.

Vậy nguyên nhân sâu xa và mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ khi bắn rơi chiếc Su-24 là gì? Chúng ta sẽ tìm hiểu 3 nguyên nhân cơ bản cốt lõi buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải làm như vậy. Đầu tiên là vấn đề liên quan đến người Kurd.

Ngăn chặn sự thành lập một khu tự trị Kurd Thổ Nhĩ Kỳ-Syria

Tìm hiểu về các lực lượng vũ trang người Kurd

Từ trước đến nay, Ankara luôn một mực phủ nhận việc nước này đã tuồn vũ khí trang bị và hỗ trợ hậu cần cho nhóm phiến quân Turkmen (người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ) để lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, điều này không thể che mắt được Nga và Syria.

Alpaslan Celik là phó tư lệnh Lữ đoàn quân duyên hải số 1 của lực lượng nổi dậy Turkmen tại Syria. Chính quyền Erdogan hậu thuẫn cho lực lượng này còn nhằm giúp Ankara chống lại sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng người Kurd ở Syria và việc họ bắt tay với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây cũng là nguyên nhân mà Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhăm nhe đánh người Kurd chứ không nhằm vào tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo", bất chấp thực tế Ankara đang là thành viên trong Liên minh quân sự 64 nước chống IS của Mỹ.

Để hiểu được vấn đề này, trước hết chúng ta đi tìm hiểu về các tổ chức của người Kurd bản địa và các quốc gia lân cận và xem xét mối quan hệ phức tạp giữa Ankara với các nhóm vũ trang người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq.

Hiện có 3 phong trào hoạt động của người Kurd ở Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ như sau:

Lực lượng vũ trang của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ PKK


Lực lượng người Kurd ở Syria thuộc Đảng Liên hiệp dân chủ người Kurd ở Syria (Tiếng Anh: Democratic Union Party, tiếng Kurd: Partiya Yekîtiya Demokrat - PYD), mà cánh quân sự của nó là People’s Protection Units, tiếng Kurs: Yekineyen Parastina Gel - YPG).

Mới đây, dưới sự bảo trợ của Mỹ, liên minh Syrian Democratic Forces (SDF) đã được thành lập mà nòng cốt là YPG và một số nhóm phiến quân "ôn hòa" người Ả Rập khác.

Lực lượng vũ trang của người Kurd ở Iraq (Peshmerga) là lực lượng vũ trang thuộc Khu tự trị người Kurd (Kurdistan Regional Government - KRG).

Còn lực lượng vũ trang của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đảng Công nhân người Kurd (Kurdistan Workers’ Party, tiếng Kurd: Partiya Karkeren Kurdistan - PKK), đã chiến đấu bền bỉ với chính quyền Ankara vài chục năm nay.

Trong thời gian vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phần nào hóa giải được mối lo từ lực lượng vũ trang của người Kurd ở Iraq (Peshmerga), bằng các mối lợi về buôn bán dầu lậu của IS và của chính họ, hơn nữa người Kurd ở Iraq đã có lãnh thổ riêng là Khu tự trị người Kurd (KRG).

Lực lượng vũ trang của người Kurd ở Syria (YPG) có sức mạnh đáng nể


Thế nhưng, lực lượng người Kurd ở Syria (YPG) hiện chưa có lãnh thổ riêng, lại là lực lượng chống đối Ankara quyết liệt nhất, cùng với với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (PKK). Hai lực lượng này đang bắt tay nhau chống chính quyền Erdogan và đòi thành lập khu tự trị người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Nếu kế hoạch của 2 lực lượng người Kurd này thành công, trong tương lai Khu tự trị Kurd Thổ Nhĩ Kỳ-Syria sẽ chiếm mất 30% lãnh thổ của nước này, ở khu vực phía nam. Đó là điều mà Ankara lo ngại nhất.

Do đó, chính quyền Erdogan một mặt tìm cách mua chuộc người Kurd ở Iraq, mặt khác phải tìm mọi cách ngăn 2 tổ chức người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bắt tay nhau. Điều này chúng ta có thể thấy trong sự kiện Peshmerga bảo vệ Ankara trước các cáo buộc buôn lậu dầu với IS.

Chặn đường tiến của YPG ra biên giới, không cho bắt tay với PKK

Lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria là tổ chức rất mạnh với hơn 30.000 chiến binh thiện chiến và khả năng chiến đấu dẻo dai. Đồng thời, YPG cũng có đường lối lãnh đạo khôn khéo khi đã liên kết và lãnh đạo một số nhóm phiến quân khác, trong một liên minh gần 60.000 tay súng.

Trái ngược hoàn toàn với chính quyền Tổng thống Erdogan, Nga luôn coi lực lượng người Kurd là những “chiến binh ôn hòa” và ủng hộ các chiến dịch đánh IS của tổ chức bán quân sự này. Sự năng nổ của họ trong cuộc chiến chống IS cũng đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Moscow và Damascus đã tận dụng triệt để tử huyệt này để phản công, gây thêm những sức ép cho chính quyền Tổng thống Erdogan. Theo truyền thông Nga, chính quyền Tổng thống Putin đã hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng người Kurd ở Syria, kẻ thù không đội trời chung của Thổ Nhĩ Kỳ.

Do sự hậu thuẫn và cung cấp vũ khí của Nga và được cả Mỹ hỗ trợ vũ khí, hậu cần để đánh IS, YPG lớn mạnh không ngừng và cùng với PKK trở thành mối đe dọa lớn nhất đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên minh Syrian Democratic Forces (SDF) đã được thành lập mà nòng cốt là YPG


Bởi vậy, Ankara cần hết sức hỗ trợ nhóm phiến quân Syria người gốc Thổ Nhĩ Kỳ là Turkmen để khống chế dọc dải khu vực biên giới phía bắc Syria, giáp phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt sự liên hệ giữa PKK và YPG, đồng thời ngăn chặn khả năng YPG thành lập khu tự trị giáp biên giới.

Lực lượng Turkmen tuy có quân số ít hơn, chỉ vào khoảng 10.000 người nhưng vẫn trụ vững nhờ được Thổ Nhĩ Kỳ đào tạo, huấn luyện và cung cấp vũ khí trang bị; tiếp tế hậu cần, tài chính và bắt tay với Nhà nước Hồi giáo IS để chống YPG ở Syria.

Do đó, khi Nga tiến đánh dữ dội khu vực kiểm soát của nhóm Turkmen ở giáp biên giới 2 nước, đồng thời không kích cắt đứt tuyến tiếp tế của Ankara cho nhóm này, tiện tay triệt phá các hạ tầng cơ sở dầu mỏ và tuyến đường buôn lậu dầu của IS cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoạt động này của Nga đã làm suy yếu nghiêm trọng các lữ đoàn chiến đấu Turkmen và lực lượng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở khu vực này. IS bị diệt thì Turkmen cũng tiêu vong và ngược lại, đo đó, Ankara không thể để điều nguy hại này xảy ra.

Lực lượng vũ trang của người Kurd ở Iraq (Peshmerga)


Bởi khi đó, các nhóm dân quân người Kurd của YPG sẽ vượt qua “vùng đệm” (khái niệm do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, thực chất là chỉ vùng kiểm soát của Turkmen, chứ không phải là “Vùng nguy cơ an ninh” như họ tuyên bố), áp sát biên giới và bắt tay với PKK ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Bảo vệ được “Vùng đệm” ở biên giới phía bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cô lập PKK ở lãnh thổ của mình để bao vây tiêu diệt. Ngược lại, nếu không giữ được, 2 tổ chức này bắt tay nhau sẽ gây ra mối đe dọa an ninh rất lớn đối với chính quyền Erdogan.

Khi đó, YPG có thể hỗ trợ cho PKK đánh chiếm khu vực biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và thành lập Khu tự trị người Kurd, nằm giữa 2 nước. Lúc đó, liên quân Kurd Thổ Nhĩ Kỳ-Syria sẽ trở nên quá mạnh, không thể tiêu diệt nổi, nên Ankara phải ngăn chặn khả năng Nga và Syria giải phóng khu vực này, dẫn đến việc họ bắn rơi máy bay Nga.

Thế nhưng, hành động bắn Su-24 không phải là yếu tố trực tiếp có thể ngăn chặn được điều này. Bởi đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ biết là 1 chiếc máy bay bị rơi không thể khiến Moscow nhụt chí. Cái đích mà Thổ Nhĩ Kỳ nhắm đến còn lớn hơn rất nhiều và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nó trong kỳ sau.
 
 
>> Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cố tình bắn rơi chiến đấu cơ Su24 của
>> Bắn Su-24 Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trúng kế ly gián của Mỹ
>> Hy Lạp "cay cú" khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga

Theo Thiên Nam (Đất Việt)