Thế giới

Như thế nào thì được gọi là 'Đại gia' ở Hàn Quốc

Báo cáo của tập đoàn tài chính Hàn Quốc KB cuối năm 2022 định nghĩa “người giàu mới” của Hàn Quốc là những người ở độ tuổi từ 30-40 với tài sản tài chính từ 1 tỷ đến 2 tỷ won (tương đương 770.000-1,54 triệu đô la).

Như thế nào thì được gọi là 'Đại gia' ở Hàn Quốc
Người có số tài sản tối thiểu ở mức 820 triệu won (tương đương 630.000 USD tức gần 15 tỷ đồng) sẽ được xếp vào hàng người giàu ở Hàn Quốc. Ảnh: 123rf.

Tuy nhiên nhiều người trong số này vẫn không coi mình được xếp vào hàng người giàu ở xứ Kim Chi.

Báo cáo về sự giàu có của Hàn Quốc năm 2022 do một nhóm chuyên gia cố vấn thuộc Tập đoàn tài chính KB biên soạn dựa trên một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 6 và tháng 7/2022, bao gồm một cuộc khảo sát trực tiếp với 400 người có số tài sản tài chính là hơn 1 tỷ won.

Tờ Korea Herald cho biết người giàu được định nghĩa là có tài sản tài chính phải là hơn 1 tỷ won.

Theo như định nghĩa này, tính đến năm 2021, đã có tổng cộng 424.000 người Hàn Quốc được xếp vào hàng "giàu có", tăng 31.000 người so với con số 393.000 người vào năm 2020. Nhóm người này chiếm 0,82% tổng dân số Hàn Quốc, cao hơn 0,06 điểm phần trăm so với năm trước.

Theo báo cáo, những người được hỏi cho biết số tiền ban đầu tối thiểu để tích lũy tài sản trung bình là 820 triệu won và họ đã tiết kiệm được số tiền ban đầu này của mình ở độ tuổi trung bình là 42.

Khi được hỏi về nguồn gốc số tài sản tiết kiệm, nhóm này cho biết họ kiếm được thông qua đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán và tiết kiệm.

Thu nhập từ kinh doanh chiếm trung bình 37,5% tài sản của nhóm trên, trong khi phần còn lại được tạo thành từ đầu tư bất động sản, thừa kế, thu nhập kiếm được và đầu tư tài chính.

Phân chia theo khu vực, 45,1%, tương đương 191.000 người, hiện đang sống ở thủ đô Seoul, tiếp theo là tỉnh Gyeonggi và Busan với lần lượt là 94.000 và 29.000.

Trong nhóm này, chỉ 44,8% số người cho biết bản thân xác nhận mình là người giàu có.

Tuy nhiên, chỉ 21,6% những người có tổng tài sản hơn 5 tỷ won cho biết họ "giàu có", trong khi 23,8% những người có tổng tài sản hơn 10 tỷ won thì lại cho biết mình không hề giàu.

27% số người được khảo sát cho biết một người cần phải có tổng tài sản hơn 10 tỷ won thì mới được coi là người giàu, trong khi 17,5% cho rằng chỉ cần 5 tỷ won là đủ tiêu chuẩn.

Người giàu cho rằng đặt mục tiêu tài chính là cách tốt nhất để có động lực để tích lũy tài sản. Các phương pháp khác bao gồm sử dụng nợ và phân bổ tài sản.

Báo cáo cũng xem xét sự giàu có của những người tương đối trẻ, nhóm người trong độ tuổi từ 30 đến 49 với khối tài sản tài chính trên 1 tỷ won và dưới 2 tỷ won là “người giàu mới”, nhằm để phân biệt với nhóm “người giàu truyền thống”, là những người từ 50 tuổi trở lên nhưng có hơn 2 tỷ won tài sản tài chính.

Tính đến năm 2021, có khoảng 78.000 người Hàn Quốc thuộc nhóm người giàu mới này, chiếm 18,4% tổng số người giàu với hơn 1 tỷ won.

Khi được hỏi về phương pháp tích lũy tài sản, 33,2% trả lời họ kiếm tiền từ thu nhập kinh doanh, 26,4% cho biết đầu tư bất động sản và 20,7% cho biết là nhờ thừa kế.

Những người giàu có mới nói rằng cần phải có ít nhất 700 triệu won tiền gốc để tích lũy tài sản.

Tổng tài sản của họ trung bình bao gồm 67,4% tài sản bất động sản và 29,5% là tài sản tài chính.

Tuy nhiên 3/4 số người giàu có mới không hài lòng với tình hình hiện tại của họ. Trong khi 66,2% người giàu truyền thống cho biết họ coi mình là người giàu, chỉ có 26,4% người giàu mới nói họ giàu.

QT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nhu-the-nao-thi-uoc-goi-la-ai-gia-o-han-quoc-a366511.html