Thế giới

So với những người tiền nhiệm, Trump quá 'nhẹ tay' trước Nga

CNN điểm qua cách tiếp cận nước Nga của 12 người tiền nhiệm sau chiến tranh của Trump và cho thấy nước Mỹ trước Trump luôn cứng rắn trước Moscow.

Ngày 8/6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông là "cơn ác mộng tồi tệ nhất của nước Nga". Trump thường cho rằng ông cứng rắn trước Moscow hơn những người tiền nhiệm và bác bỏ những lời chỉ trích về cách tiếp cận mang tính tôn trọng của ông đối với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Thực tế, nhiều tổng thống Mỹ thời hiện đại đã áp dụng cách tiếp mạnh mẽ hơn Trump đối với Điện Kremlin. Tình báo Mỹ từng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ qua một chiến dịch ủng hộ Trump giúp ông chiến thắng bà Hillary Clinton, vốn có thái độ thù địch Kremlin.

Dù trong chính quyền vẫn có những người cứng rắn trước Nga, Trump thường cố gắng làm dịu họ, khiến các nhà phê bình đặt câu hỏi liệu hồ sơ Trump - Nga có chứa điều gì cho thấy Nga sở hữu những thông tin gây hại cho ông chủ Nhà Trắng.

Trump thường thông qua những quan điểm ủng hộ chính sách đối ngoại của chính phủ Tổng thống Putin. Chẳng hạn, sự đối địch của Trump với các nhà lãnh đạo G7 và việc ông thường xuyên chỉ trích NATO đã làm suy yếu liên minh phương Tây, một mục tiêu cốt lõi trong chính sách của Nga. 

So với những người tiền nhiệm, Trump quá 'nhẹ tay' trước Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump thân mật khi cùng tham dự hội nghị APEC diễn ra tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Hôm 8/6, Trump đã lên tiếng cho một lợi ích khác của Nga: Khôi phục vị thế của Moscow trong nhóm các quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu của thế giới sau khi Nga bị G8 tước tư cách thành viên do sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

"Tôi yêu đất nước của chúng ta. Tôi là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Nga. Tôi nghĩ Putin có lẽ sẽ nói 'ước gì Hillary chiến thắng' vì các bạn thấy những gì tôi làm đấy", Trump nói với các phóng viên trước khi tới Quebec họp G7.

"Nhưng dù vậy, Nga nên có mặt trong cuộc họp này", ông nói. "Tại sao chúng ta lại có một cuộc họp không Nga?". "Họ nên để Nga trở lại", ông nói thêm sau đó.

"Không tổng thống nào cứng rắn hơn với Nga"

Khi được yêu cầu giải thích những khen ngợi thường xuyên mà Trump dành tặng Putin, Nhà Trắng thường nói rằng không tổng thống nào táo bạo hơn Trump trong chính sách với Nga, dù lời nói của ông thường nhẹ nhàng hơn so với hành động của chính quyền ông.

"Ông ấy đã cứng rắn với Nga ngay năm đầu tiên, hơn Obama trong 8 năm liền", thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết hồi tháng 2.

Chính quyền Trump đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Nga, cho phép bán vũ khí gây chết người cho Ukraine và trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga sau vụ một cựu điệp viên người Nga bị đầu độc ở Anh. Chính quyền Trump cũng tung ra những cuộc tấn công tên lửa hành trình chống lại lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh quan trọng của Putin. Barack Obama từng thất bại trong bước đi này.

Tuy vậy, Trump đã nhiều lần bác bỏ kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 nhằm giúp ông giành chiến thắng và khẳng định rằng đó là ngoại giao thông minh để xoa dịu quan hệ Mỹ - Nga, trong tình trạng căng thẳng nhất kể từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Những hành động chống lại Moscow của ông cũng nhạt nhòa so với những người tiền nhiệm.

Thời Chiến tranh Lạnh, các tổng thống Mỹ đã công kích những người đồng cấp Liên Xô, ra lệnh tập hợp quân đội, tài trợ các chiến dịch hành động bí mật và chiến tranh ủy nhiệm, theo đuổi các chính sách nhiều lần đưa thế giới đến bờ vực tận thế do hạt nhân. Trong 40 năm qua, nguyên tắc tổ chức chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn luôn cứng rắn đối với Nga.

Các yếu tố địa chính trị và căng thẳng leo thang rồi lại giảm xuống, ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, cho thấy có một số giai đoạn các tổng thống Mỹ cố gắng đối thoại với điện Kremlin. Trump không phải là tổng thống đầu tiên bị những người chống Nga ở Washington cáo buộc là không đủ cứng rắn đối với Liên Xô hay Nga.

Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy hy vọng cải thiện quan hệ thường bị tiêu tan, do chính trị toàn cầu, thăng trầm của lịch sử Nga, và những đối nghịch về mặt triết học giữa Washington và Moscow.

Thế nhưng, ngay cả khi đội an ninh quốc gia của Trump theo đuổi các chính sách "diều hâu" truyền thống đối với Moscow tại thời điểm quan hệ lao dốc, nỗ lực của họ bị lu mờ bởi những lời khen ngợi khó hiểu của Tổng thống Trump cho ông Putin.

Không một tổng thống Mỹ nào trước đây bày tỏ sự ngưỡng mộ đến vậy đối với hệ thống chính trị hiện hành ở Moscow.

So với những người tiền nhiệm, Trump quá 'nhẹ tay' trước Nga - 1
Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev (trái) cạnh Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower tại Washington, ngày 15/9/1959. Ảnh: AP .

Dwight Eisenhower

Joseph Stalin qua đời khi Eisenhower bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống. Điều này đã mở ra cánh cửa để Washington cải thiện quan hệ với Moscow. Tuy nhiên, "cuộc đàn áp" của Liên Xô tại Hungary năm 1956 và việc một chiếc máy bay gián điệp U2 của Mỹ rơi trên đất Nga vào năm 1960 cuối cùng đã thổi bay những nỗ lực để giảm căng thẳng khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tức giận rời khỏi một hội nghị thượng đỉnh với Eisenhower ở Paris.

Tổng thống Mỹ trở về nhà với cảnh báo: "Đó là một bí ẩn và vẫn sẽ là một bí ẩn về lý do tại sao tại thời điểm đặc biệt này, Liên Xô lựa chọn xuyên tắc và cường điệu sự cố U2 mà họ rõ ràng là không muốn đề cập chút nào".

John F. Kennedy

Khi Liên Xô bắt đầu xây dựng các hệ thống tên lửa ở Cuba, Kennedy phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng gần như biến thành chiến tranh hạt nhân.
"Chính sách của Mỹ sẽ coi bất kỳ tên lửa nào được phóng từ Cuba chống lại bất kỳ quốc gia nào ở Tây bán cầu là cuộc tấn công của Liên Xô vào Mỹ, dẫn đến cuộc trả đũa đầy đủ đối với Liên Xô", Kennedy nói.

Trong hơn 13 ngày căng thẳng tháng 10/1962, Kennedy quyết định phong tỏa hải quân và tấn công Cuba, đồng thời cho Khrushchev một lối thoát.
Cuối cùng, Khrushchev đồng ý rút tên lửa, một phần để đáp lại thỏa thuận bí mật rút tên lửa Mỹ ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ của Kennedy. Một trong những thời điểm nguy hiểm nhất của Chiến tranh Lạnh đã được "tháo ngòi".

Lyndon Johnson

Chính sách thời kỳ đầu của Johnson dành cho các mục tiêu trong nước trước khi chính quyền của ông bị cuốn vào chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu leo thang của Johnson trong cuộc chiến thảm khốc đã được nhìn thấy qua lăng kính Chiến tranh Lạnh, khi nó được thúc đẩy bằng mong muốn kiểm tra sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản trên khắp châu Á.

Richard Nixon

Nixon nhậm chức với "tiếng tăm" về sự cứng rắn với chủ nghĩa cộng sản. Để đối phó với Điện Kremlin, ông đưa một cường quốc đối thủ, Trung Quốc, vào chính sách "tam giác" khiến Moscow phải tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Washington để tránh bị bỏ lại phía sau. Nixon đã phát triển chính sách giảm căng thẳng với Liên Xô và có được một số thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn.

Gerald Ford

Trong nhiệm kỳ tổng thống ngắn ngủi của mình, Ford đã ký thỏa thuận Helsinki với Moscow để củng cố nguyên trạng lãnh thổ châu Âu sau Thế chiến II. Mặc dù thỏa thuận không phải là một hiệp ước, Ford đã cố gắng khiến Liên Xô miễn cưỡng thừa nhận trên ngôn từ về sự cần thiết của việc tôn trọng nhân quyền.

Jimmy Carter

Ngày nay, Carter thường được miêu tả là một tổng thống yếu ớt. Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia của ông Zbigniew Brzezinski rất hoài nghi về Liên Xô và Carter đã phát triển chính sách diều hâu đối với Moscow. Ông khởi xướng cuộc xây dựng lực lượng phòng thủ lớn trong 5 năm và giảm bán ngũ cốc cho Liên Xô sau khi quân đội Liên Xô hiện diện ở Afghanistan. Mỹ còn dẫn đầu cuộc tẩy chay Olympics 1980 tổ chức tại Moscow.

"Đó là nỗ lực có chủ ý của một chính phủ vô thần, mạnh mẽ nhằm chinh phục một cộng đồng Hồi giáo độc lập", Carter nói về cuộc chiến Afganistan. "Liên Xô chiếm đóng Afghanistan, đe dọa cả Iran và Pakistan và tạo một bước đệm để có thể kiểm soát nhiều nguồn cung cấp dầu của thế giới".

Ronald Reagan

Không tổng thống Mỹ nào gay gắt với Liên Xô như Reagan. Giống Nixon, Reagan từng có "thâm niên" phản đối chủ nghĩa cộng sản kéo dài hàng thập kỷ trước khi bước vào Nhà Trắng. Ông gọi Liên Xô là một "đế chế độc ác", xây dựng lực lượng quân sự khổng lồ, đặt các tên lửa hạt nhân trên đất châu Âu và dự tính chế tạo một lá chắn phòng thủ tên lửa "Chiến tranh giữa các vì sao" để loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô.

So với những người tiền nhiệm, Trump quá 'nhẹ tay' trước Nga - 2
Tổng thống Ronald Reagan (phải) cùng lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong buổi lễ đón Gorbachev tại Nhà Trắng, ngày 8/12/1987. Ảnh: Reuters.

Ở một trong những thời điểm nguy hiểm nhất của Chiến tranh Lạnh, vào năm 1983, căng thẳng Mỹ - Moscow gần như dẫn hai đối thủ đến một cuộc chiến hạt nhân. Tuy nhiên, bất chấp sự cứng rắn của mình, Reagan cũng đã sẵn sàng mạo hiểm đối thoại, thừa nhận lãnh đạo mới của Liên Xô Mikhail Gorbachev là một đối tác.

Nhưng Reagan không bao giờ thôi cứng rắn, ngay cả sau khi gặp Gorbachev để thương lượng cắt giảm vũ khí. Năm 1987, ông tới Cổng Brandenburg ở Berlin. "Ngài Gorbachev, hãy mở cánh cổng này. Ngài Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này!", Reagan tuyên bố trong bài phát biểu nổi tiếng nhất của ông.

George H.W. Bush

Sự kiện bức tường Berlin sụp đổ và Liên bang Xô viết tan rã cho thấy Bush phải là tổng thống Mỹ đầu tiên lựa chọn chính sách mới với Nga. Thay vì chủ trương cứng rắn, chính sách này đề cao sự mềm mỏng và khích lệ với hy vọng một hệ thống dân chủ mới có thể được thiết lập.

Một số lãnh đạo đảng Cộng hòa cáo buộc Bush không đủ cứng rắn: khi Liên bang Xô viết sụp đổ, ông đã từ chối ăn mừng chiến thắng lịch sử của phương Tây. Ông lo ngại rằng hả hê chiến thắng có thể kích động những người theo đuổi lập trường cứng rắn ở Nga và đảo ngược những thay đổi khi đó. Việc đưa Chiến tranh Lạnh đến hồi kết là một trong những thành tựu lớn nhất của ông và cho thấy rằng đôi khi cứng rắn không phải là chính sách hiệu quả nhất.

Bill Clinton

Nhiệm vụ lịch sử của Clinton trong quan hệ Mỹ - Nga là cố gắng củng cố một hệ thống thị trường mong manh ở Nga và ông đã ủng hộ chính phủ của Tổng thống Nga Boris Yeltsin vay hàng tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời ủng hộ các chương trình bảo vệ kho vũ khí hạt nhân phân tán của Liên Xô.

Tuy nhiên, chính sách của Clinton về việc mở rộng NATO, lôi kéo các quốc gia thuộc Khối hiệp ước Warsaw cũ về phía phương Tây, khi nhìn lại, là một động thái cứng rắn. Nga coi hành động này là khởi điểm của một giai đoạn sỉ nhục do Mỹ sắp đặt và là một phần nguyên nhân của những căng thẳng hiện tại.

George W. Bush

Bush không bao giờ có thể khiến người ta quên khoảnh khắc ông nói đã nhìn vào mắt vị lãnh đạo mới của Nga, Vladimir Putin, và "cảm nhận được tâm hồn ông ấy". Nhưng những nỗ lực của ông để giảm bớt căng thẳng với Moscow đã diễn ra vào thời điểm Nga trở nên ngày càng mếch lòng trước Washington.

Và với một Nhà Trắng "tiều tụy" với nhiều thách thức chính về sách đối ngoại sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 và Chiến tranh Iraq, Bush bị cáo buộc là không đủ cứng rắn với Putin sau khi Nga đổ bộ Gruzia năm 2008. Tuy nhiên, ông đã ra lệnh cho các máy bay vận tải Mỹ đưa quân Gruzia từ Iraq trở về quê nhà để họ có thể chiến đấu.

So với những người tiền nhiệm, Trump quá 'nhẹ tay' trước Nga - 3
Obama và Putin không có quan hệ "nồng ấm". Ảnh: AP.

Barack Obama

Trump thường xuyên chỉ trích người tiền nhiệm của mình vì đã mềm mỏng với Nga. Giống như nhiều tổng thống khác, Obama cho rằng sự thù địch với Nga không mang nhiều ý nghĩa và đã ra lệnh "thiết lập lại" các mối quan hệ. Chính sách này được đưa ra khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lên nắm quyền, mặc dù Putin chỉ tạm rời cương vị tổng thống rồi trở lại vào năm 2012 và ngay lập tức tái thiết lập sự thù địch với Washington.

Thất bại lớn nhất của Obama trong chính sách ngoại giao với Nga có thể là việc ông không hoàn toàn nhận ra mối đe dọa tiềm tàng đang nổi lên từ Moscow. Ông bác bỏ Nga như một "quyền lực khu vực" và chế nhạo Mitt Romney - đối thủ bầu cử của ông năm 2012, vì mắc kẹt trong tư duy Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Obama đã dàn xếp việc trục xuất Nga khỏi G8 và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ông cũng có mối quan hệ lạnh nhạt với Putin, trái ngược với lời khen ngợi của Trump về nhà lãnh đạo Nga. 

Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình, Obama đã đối đầu trực tiếp với Putin về sự can thiệp bầu cử, đóng cửa hai khoảng đất ngoại giao của Nga tại Mỹ và áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt hơn.

90s: Vì Trump, G7 có nguy cơ trở thành 'G6+1' Hội nghị Thượng đỉnh G7 khai mạc trong bất đồng và chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và phần còn lại do chính sách bảo hộ thương mại gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.

Theo Hoa Hạ - Khắc Tú (Tri Thức Trực Tuyến)