Thế giới

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới tách khỏi Nam Cực

Một tảng băng trôi có kích thước gấp 80 lần quận Manhattan (TP New York - Mỹ), vừa tách ra khỏi Nam Cực trong những ngày vừa qua.

Ngày 19/5, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết tảng băng trôi có hình dạng giống như một tấm bàn ủi khổng lồ, đã tách ra khỏi thềm băng Ronne ở Nam Cực và đang trôi nổi trên biển Weddell.

Tảng băng lần đầu tiên được Keith Makinson, một nhà hải dương học vùng cực của Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh phát hiện vào tuần trước và được Trung tâm Băng Quốc gia Mỹ xác nhận bằng hình ảnh Copernicus Sentinel-1.

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới tách khỏi Nam Cực
Tảng băng trôi lớn nhất thế giới A76 tách khỏi Nam Cực. Ảnh: ESA

Với chiều dài 170 km và chiều rộng 25 km, đây được công nhận là tảng băng trôi có kích thước lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Thậm chí, diện tích của nó lớn hơn đảo Majorca của Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, trái với lo ngại của nhiều người, các nhà khoa học cho biết hiện tượng này không phải do tác động cuả biến đổi khí hậu gây ra. Thay vào đó họ tin rằng đây là một phần chu kỳ tự nhiên của băng trôi trong khu vực.

Bên cạnh đó, tảng băng trôi khổng lồ sau khi tan ra cũng sẽ không dẫn đến hiện tượng tăng mực nước biển, bởi vì nó là một phần của thềm băng nổi. Điều này tương tự như 1 cục đá lạnh đang tan không làm tăng lượng đồ uống trong ly.

Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu toàn bộ băng của Nam Cực tan chảy, nó có thể làm mực nước biển dâng lên hơn 57 mét, đồng nghĩa sẽ nhấn chìm phần lớn diện tích trái đất.

Thùy Dương (Nguoiduatin.vn)