Thế giới

Trung Quốc phát hiện lăng mộ thực sự của Hán Văn Đế

Trong gần 1.000 năm, người Trung Quốc tin rằng Hán Văn Đế được chôn cất tại một ngọn núi bên ngoài thành phố Tây An, từng là trung tâm quyền lực của nhiều triều đại trước đây.

Trung Quốc phát hiện lăng mộ thực sự của Hán Văn Đế
Các nhà khảo cổ Trung Quốc tại một khu vực khảo cổ ở tỉnh Thiểm Tây (Ảnh: The Paper)

Tuy vậy, phát hiện gần đây cho thấy ngôi mộ thực sự của Hán Văn Đế nằm trong một thung lũng cách đó vài km.

Hán Văn Đế là vị vua thứ năm của triều Hán (206 TCN - 220 SCN), trước đó được cho là được chôn cất tại một ngọn núi có tên "Phượng Hoàng Chủy".

Lăng mộ chính xác được phát hiện lần đầu vào năm 2017, dài 70 mét và sâu 30 mét, với kiến trúc đặc trưng dành riêng cho các vị vua.

Kích cỡ và kiến trúc được coi là chỉ dấu đầu tiên, nhưng những cổ vật bên trong, bao gồm ấn triện và các bức tượng nhỏ khiến giới khảo cổ cho rằng đây mới đúng là lăng mộ của Hán Văn Đế.

"Sau khi đối chiếu với các văn tịch cổ, chúng tôi có thể kết luận cụm mộ ở làng Jiang là lăng mộ của Hán Văn Đế," Ma Yongying, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ Thiểm Tây viết cho biết.

Hán Văn Đế, tên thật là Lưu Hằng, là con trai của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Trong 20 năm trị vì, Hán Văn Đế được đánh giá là một vị minh quân, giúp nền kinh tế hưng thịnh. Ông tập trung tăng sản lượng nông nghiệp bằng cách giảm thuế đối với nông dân. Hán Văn Đế cũng nổi tiếng với lối sống giản dị và lòng hiếu thảo với mẹ ruột.

Con trai ông là Hán Cảnh Đế sau khi lên ngôi kế vị cũng được đánh giá là là một vị vua tài giỏi.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy lăng mộ có thể là nơi chôn cất một vị vua xuất hiện từ năm 2002, khi sáu cổ vật bằng gốm được bán đấu giá ở Mỹ, được cho là đã bị những kẻ trộm mộ lấy cắp. Các cổ vật này sau đó được trả lại cho Trung Quốc.

Khoảng 10 năm trước, các nhà khảo cổ ở tỉnh Thiểm Tây đưa ra giả thuyết họ đã xác định sai vị trí lăng mộ của Hán Văn Đế, do không có dấu hiệu nào cho thấy các công trình do con người thi công từng xuất hiện ở núi Phượng Hoàng Chủy.

Một cụm mộ ở độ sâu 30 mét tại làng Jiang gần đó thu hút sự chú ý của các chuyên gia, sau khi 1.000 cổ vật gốm và 3.000 cổ vật vàng, bạc, đồng, sắt và gốm khác được phát hiện.

Những cổ vật này đều có chất lượng cao, trong khi quy mô của những ngôi mộ là khá lớn, khiến giới chuyên gia kết luận người được chôn cất tại đây phải có tầm cỡ đặc biệt.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/trung-quoc-phat-hien-lang-mo-thuc-su-cua-han-van-de-tintuc801992