Những thách thức ở tiền tuyến cùng các mục tiêu đầy tham vọng và sức ép toàn cầu giúp giải thích vì sao Phong trào Hồi giáo Hamas vẫn nắm quyền ở Dải Gaza trong gần 21 tháng kể từ sau vụ đột kích vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023.

Theo Ynet News, sức ép của Mỹ với Israel cùng những lời kêu gọi Tel Aviv rút quân khỏi Dải Gaza dường như đang gia tăng sau khi cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Israel - Iran kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn.

Hamas hiện vẫn nắm quyền ở Gaza, đồng nghĩa ít nhất 2 mục tiêu chính của Israel là tiêu diệt nhóm vũ trang này về mặt quân sự và chính trị vẫn chưa đạt được. Một câu hỏi lớn hơn đang được đặt ra, đó là nếu Israel có thể nhanh chóng đạt mục tiêu trong các cuộc chiến chống Hezbollah và Iran, tại sao họ lại không làm được điều đó ở Gaza. 

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố cần tính đến và cuộc xung đột ở Gaza khác với các cuộc giao tranh khác Israel từng tham gia trong những năm gần đây. 

Hamas - Ynet News
Chiến binh Hamas. Ảnh: Ynet News

Không chỉ vì mục tiêu quân sự

Một trong những mục tiêu Israel đề ra trong chiến dịch quân sự ở Gaza là phá hủy cả nhánh quân sự lẫn nhánh dân sự của Hamas. Điều này trái ngược với những mục tiêu được xác định hẹp hơn của Israel trong các chiến dịch gần đây chống lại Iran và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon. 

Theo chuyên gia Adi Schwartz thuộc Viện An ninh quốc gia và chiến lược Do thái Misgav, mục tiêu của Israel ở Gaza lớn hơn nhiều so với mục tiêu ở Lebanon hay Iran, vốn chỉ tập trung vào quân sự. Tại Gaza, Tel Aviv muốn phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng quản lý, cả về quân sự lẫn chính trị. 

Ở một mức độ nào đó, Israel đã thành công trong việc làm suy yếu Hamas và đẩy lùi các hoạt động của tổ chức vũ trang Palestine này, tương tự như những gì họ đã làm với Hezbollah và năng lực hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, không giống hai trường hợp trên, Hamas vẫn lãnh đạo người dân ở Gaza. 

Sự kiện 7/10 đã thay đổi tất cả

Kể từ ngày 7/10/2023, Tel Aviv đã hiểu rõ hơn về mối đe dọa thực sự xuất phát từ nhóm vũ trang Hồi giáo. Vào ngày đó, các tay súng Hamas đã đột kích vào miền nam Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và bắt cóc 251 người khác làm con tin.

Theo ông Schwartz, không giống các cuộc xung đột gần đây của Israel, cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ nước này khiến cuộc đối đầu giữa hai bên mang tính hiện sinh. Đó không chỉ đơn thuần là sự trả thù, người Israel sống ở phía nam đất nước không thể tiếp tục quay lại cuộc sống với cảm giác an toàn cho đến khi họ tin Hamas không thể tái tập hợp và mở một cuộc tấn công nữa. Tác động của sự kiện 7/10/2023 vẫn còn đè nặng lên tâm lý người dân Israel. 

Tình trạng các con tin

Ngay từ ngày đầu tiên, quân đội Israel đã phải hoạt động trong tình trạng hạn chế do các con tin còn bị giam giữ ở Gaza. Theo ông Schwartz, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã không tấn công hoặc ném bom một số khu phố và thành phố nhất định tạ dải đất này vì cho rằng các con tin đang bị giam giữ ở đó. "Nếu bạn và tôi biết điều này, Hamas cũng biết. Điều đó có nghĩa, Hamas có thể coi các con tin như một lá chắn bảo vệ mình", ông Schwartz giải thích. 

Tướng về hưu Amir Avivi viết trên Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Israel rằng, nếu một lệnh ngừng bắn tạm thời có thể đưa nhiều con tin trở về nhất, Tel Aviv sẽ nắm bắt cơ hội đó, ngay cả khi phải kéo dài chiến dịch chống Hamas. "Ý tưởng là quân đội sẽ giữ nguyên vị trí, chúng ta không rút lui. Chúng ta ngừng bắn và sau đó tiếp tục. Nếu rút quân, Hamas sẽ tập hợp lại ở những khu vực Israel đã giành được, đó sẽ là vấn đề", ông Avivi nhấn mạnh. 

đường hầm Hamas IDF
Bên trong đường hầm của Hamas. Ảnh: IDF

Mạng lưới đường hầm của Hamas

Lý do chính khiến chiến đấu với Hamas khác với việc không kích Iran hoặc thậm chí tấn công trên bộ vào các mục tiêu Hezbollah là hệ thống đường hầm rộng lớn và phức tạp của Hamas ở Gaza. 

Nhóm vũ trang người Palestine này đã xây dựng hơn 320km đường hầm dưới lòng đất với nhiều đoạn được gia cố bằng bê tông và sắt, tạo ra một chiến trường ẩn gây khó khăn đáng kể cho các hoạt động của Israel. 

Cựu tướng Avivi giải thích, Hamas sử dụng các đường hầm cho nhiều mục đích như giấu con tin, cất giữ hàng trăm tên lửa, thiết bị nổ và làm nơi ẩn náu cho các chiến binh. Hệ thống đường hầm cũng vô hiệu hóa nhiều lợi thế của binh lính IDF trên chiến trường như khả năng thu thập thông tin tình báo, các cuộc không kích chính xác. Đối phương ẩn mình dưới lòng đất khiến việc nhắm mục tiêu và đánh bại trở nên khó khăn hơn. 

Theo Hoài Linh (VietNamNet)