Theo chuyên gia Murad Sadygzade, tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là liên quan đến xung đột giữa Israel và "Trục kháng chiến" sau cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, đã đạt đến một cấp độ căng thẳng mới.
Căng thẳng leo thang ở Trung Đông
Chuyên gia Murad Sadygzade, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Moscow (Nga), cho biết, những ngày cuối tháng 7/2024 ở Trung Đông đặc biệt nóng, không phải vì thời tiết mà là do xung đột khu vực leo thang và ngày càng trở nên căng thẳng hơn.
Vào ngày 27/07, một quả tên lửa rơi xuống sân bóng đá ở làng Majdal Shams, Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, khiến 12 em nhỏ thiệt mạng và 60 người khác bị thương. Israel đưa ra một loạt tuyên bố chính thức rằng lực lượng Hezbollah đã phóng quả tên lửa, được cho là do Iran sản xuất, và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Hezbollah phủ nhận mọi sự liên quan đến vụ tấn công. Chính quyền Lebanon cho rằng quả tên lửa thực chất là tên lửa phòng không của Israel. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran mô tả vụ việc là một "vở kịch dàn dựng".
Tối 30/07, IDF phát động một cuộc tấn công vào vùng ngoại ô Beirut, Lebanon, gọi đó là hành động "ám sát có chủ đích" nhằm vào một trong những nhà lãnh đạo quân sự của Hezbollah, Fuad Shukr, người bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho vụ tấn công Majdal Shams. Vụ tấn công khiến hơn 75 người bị thương và 10 người thiệt mạng.
Những cuộc tấn công như vậy của Israel nhằm vào thủ đô Lebanon không phải hiếm khi xảy ra. Đầu năm nay, một cuộc tấn công khác của Israel đã giết chết Saleh al-Arouri, một quan chức cấp cao của Hamas.
Vụ ám sát Fuad Shukr, một trợ lý chủ chốt của Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah, đã làm gia tăng căng thẳng, nhưng dường như không có khả năng dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện giữa Lebanon và Israel.
Tuy nhiên, vào rạng sáng 31/07, vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh, người đã đến Tehran (Iran) để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, đã đánh dấu sự leo thang căng thẳng mới trong khu vực.
Iran sẽ đáp trả?
Ông Haniyeh vốn là một nhà đàm phán chủ chốt của Hamas trong các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza. Địa điểm xảy ra vụ ám sát - thủ đô Tehran - làm phức tạp thêm tình hình vì Iran, mặc dù không muốn tham gia hoàn toàn vào cuộc xung đột khu vực, giờ đây sẽ phải đưa ra phản ứng, ngăn chặn tình huống tương tự trong tương lai.
Bằng cách loại bỏ ông Haniyeh, Israel đã gửi một thông điệp tới tất cả các nhóm Palestine về những hậu quả tiềm tàng mà họ có thể phải đối mặt. Trước khi ông Haniyeh bị sát hại, người ta tin rằng Israel và Hamas đã gần đạt được thỏa thuận để chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Vụ ám sát ông Haniyeh làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông và có thể làm suy yếu triển vọng tiến triển trong các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza.
Ông Haniyeh đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán do Ai Cập, Qatar và Mỹ làm trung gian, và đã có những báo cáo gần đây về tiến triển mặc dù vẫn còn bất đồng. Tuy nhiên, Israel lại đưa những điều kiện mới không thể chấp nhận được đối với Palestine.
Chuyên gia Murad Sadygzade nhận định, rõ ràng là Thủ tướng Israel Netanyahu chọn một con đường leo thang, muốn đổ lỗi cho Hamas về việc rút khỏi các cuộc đàm phán, khiến lực lượng kháng chiến Palestine ngừng thảo luận về lệnh ngừng bắn.
Sự leo thang này đặt ra mối đe dọa về các hành động trả đũa không chỉ từ Hamas và Hezbollah mà còn từ Iran, đặc biệt là khi vụ ám sát ông Haniyeh xảy ra trên lãnh thổ của nước này và Tehran không thể không đáp trả.
Chính quyền Iran đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao, tuyên bố rằng cuộc tấn công của Israel sẽ dẫn đến các hành động trả đũa từ các nhóm được Iran hỗ trợ trong "Trục kháng chiến". Khả năng Israel nhắm mục tiêu vào các nhà lãnh đạo cấp cao của Iran và khách của họ là một thách thức nghiêm trọng.
Một số nguồn tin cho rằng Khaled Mashaal có thể sẽ là người kế nhiệm vị trí của thủ lĩnh Haniyeh. Do đó, vụ ám sát sẽ không mang lại hiệu quả, thay vào đó sẽ chỉ dẫn đến thái độ cực đoan hơn nữa của Hamas và các phong trào giải phóng Palestine khác, bởi hành động của Israel đã chứng minh rằng nhà lãnh đạo hiện tại của nhà nước Do Thái không một nhìn thấy một nhà nước Palestine.
Nhìn chung, tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là liên quan đến xung đột giữa Israel và "Trục kháng chiến", bao gồm Hezbollah và Hamas, đã đạt đến một cấp độ căng thẳng mới.
Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran không chỉ là một đòn nghiêm trọng đối với Hamas mà còn là một thách thức đối với Iran, làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang hơn nữa. Việc thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán ngừng bắn và căng thẳng khu vực gia tăng cho thấy khả năng tăng cường các hành động quân sự. Trong khi cộng đồng quốc tế lên án những hành động này thì động cơ chính trị và chiến lược nội bộ (của các bên liên quan) dường như lớn hơn mong muốn hòa bình.
Chuyên gia Murad Sadygzade nhấn mạnh, trong tình hình ngày càng tồi tệ hiện nay, điều quan trọng là các bên phải nỗ lực để tránh một cuộc xung đột toàn diện, bởi hậu quả của nó có thể rất thảm khốc cho toàn bộ khu vực.
Theo An An (Kienthuc.net.vn)