Thể thao

Các câu lạc bộ V.League 'sống dở, chết dở' vì VFF, VPF

Tổng giám đốc đội Bình Dương nhấn mạnh quyết định của VFF từ đề xuất của VPF về việc dời V.League 2021 sang năm 2022 là thiếu tôn trọng các đội bóng, khiến đội cũng như các đội bóng khác gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, điều chỉnh nhân sự.

Tổng giám đốc đội Bình Dương nhấn mạnh quyết định của VFF từ đề xuất của VPF về việc dời V.League 2021 sang năm 2022 là thiếu tôn trọng các đội bóng, khiến đội cũng như các đội bóng khác gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, điều chỉnh nhân sự.

"Quyết định chỉ có ở bóng đá Việt Nam"

Mới đây, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã thông qua phương án tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam từ đề xuất của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), về việc nối lại các giải đấu chuyên nghiệp.

Trong đó, giải đấu được quan tâm nhất là V.League 2021 sẽ đấu bù vòng 13 vào ngày 12.2.2022. Sau khi có kết quả của giai đoạn 1 để phân chia 2 nhóm A và B, giai đoạn 2 V.League sẽ diễn ra từ ngày 16.2.2022 và kết thúc vào ngày 12.3.2022.

Đáng chú ý, 15/27 đội bóng hạng Nhất, V.League không đồng ý với các phương án do VPF đề xuất nhưng cuối cùng VPF và VFF vẫn thông qua phương án kéo dài giải đấu, trong bối cảnh dịch COVID-19 không biết khi nào có thể kiểm soát được.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ cho các cầu thủ trở về nhà, bởi khả năng thi đấu trong năm nay là rất khó rồi. Mùa tới, khả năng đội Bình Dương tham gia thi đấu vẫn còn bỏ ngỏ. Đội đang tính toán lại lực lượng, kinh phí nhưng nhà tài trợ đã không đồng ý với việc dời V.League sang năm 2022.

Tôi không thể hiểu tại sao có đến 15 đội bóng phản đối đề xuất của VPF, trong đó có 7 đội muốn dừng giải đấu nhưng VFF, VPF vẫn muốn tổ chức. Đây là điều chỉ có ở bóng đá Việt Nam. VFF, VPF quá thiếu tôn trọng các câu lạc bộ", ông Cường cho biết với Lao Động sáng 13.8.

Các câu lạc bộ V.League 'sống dở, chết dở' vì VFF, VPF
Ông Lê Hồng Cường, Tổng giám đốc đội Bình Dương cực lực phản đối việc VFF kéo V.League 2021 sang năm 2022. Ảnh: Thanh Việt.

Ông Cường chia sẻ, kinh phí để nuôi đội Bình Dương phụ thuộc vào các nhà tài trợ. Ở mùa 2021, kinh phí của đội được các nhà tài trợ giải ngân theo từng đợi, với thời hạn kéo dài từ ngày 1.11.2020 đến 31.10.2021.

Ông cho biết: "Với việc V.League hoãn đến 5-6 tháng, kéo dài sang năm 2022, việc bắt các nhà tài trợ ký thêm một phụ lục là điều không thể. Đội Bình Dương như chúng tôi lấy đâu ra kinh phí để nuôi cầu thủ, ước tính chi phí cho đội một tháng phải từ 2,5 đến 3 tỉ đồng/tháng".

Rắc rối việc chuyển nhượng cầu thủ

Ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch đội Đà Nẵng cũng đồng ý với ông Lê Hồng Cường bởi quyết định dời V.League 2021 sang năm 2022. Ông chia sẻ: "Các đội bóng như chúng tôi sống dở, chết dở với quyết định của VFF. Cầu thủ hiện tại không thể tập luyện, thi đấu trong khi vẫn phải trả lương. Đội bóng muốn thương lượng giảm lương đối với một số ngoại binh nhưng họ không chịu".

Với việc giải đấu vắt sang năm dương lịch, hầu hết đội bóng đều đối mặt với vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng của các cầu thủ, đặc biệt là ngoại binh.

"Bình Dương chúng tôi có nhiều cầu thủ với các loại hợp đồng với thời hạn khác nhau. Có cầu thủ chúng tôi ký đến hết ngày 31.10.2021, có người đến hết ngày 31.12.2021 và có người ký hết mùa bóng.

Với cầu thủ còn hợp đồng đến năm sau hoặc ký hết mùa có thể nói chuyện với họ, nhưng với những người hết hợp đồng vào tháng 10, 12.2021 thì họ sẽ không được thi đấu năm sau. Rất nhiều đội bóng vướng vào điều này, không chỉ riêng Bình Dương đâu", ông Lê Hồng Cường cho biết thêm.

Các câu lạc bộ V.League 'sống dở, chết dở' vì VFF, VPF - 1
Câu lạc bộ TPHCM đã thanh lý một số ngoại binh. Số được giữ lại sẽ được cho về nước, chờ đến ngày tập luyện lại. Ảnh: Thanh Vũ.

Nhà môi giới bóng đá Nguyễn Minh Châu cho biết, ông hoàn toàn chia sẻ khó khăn với các câu lạc bộ. Với những ngoại binh, việc V.League tạm ngưng sẽ khiến họ mất đi một khoản thu nhập lớn, trong khi khả năng thi đấu ở năm sau hay không vẫn chưa thể nói trước.

"Các đội V.League lúc này đều có sự tính toán lại về mức lương, hợp đồng của ngoại binh. Một số đội đã thanh toán lương cho ngoại binh đến tháng 7.2021 như Nam Định, trong khi Than Quảng Ninh chi tạm 3.000 USD cho ngoại binh về nước. Đội TPHCM trả 50% lương cho ngoại binh trong giai đoạn giải đấu đang tạm nghỉ", ông Châu tiết lộ.

Theo nhà môi giới này, với việc các đội bóng đều gặp khó khăn về tài chính khi giải đấu tạm ngưng kéo dài, thời hạn chuyển nhượng liên tục bị điều chỉnh, niềm tin của những ngoại binh, các đối tác nước ngoài với V.League sẽ bị sụt giảm nên chắc chắn việc thương lượng để đưa các cầu thủ ngoại sang Việt Nam thời gian tới sẽ rất khó khăn.

Theo Nguyễn Đăng (Lao Động)




https://laodong.vn/bong-da/cac-cau-lac-bo-vleague-song-do-chet-do-vi-vff-vpf-941482.ldo