Sau hàng loạt sự việc như cầu thủ bất ngờ bị sa thải ở CLB XSKT Cần Thơ, hay án phạt “không giống ai” của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đối với Quế Ngọc Hải khi gây chấn thương cho Anh Khoa, đến lúc này, người ta nói nhiều về việc cần có một Hiệp hội Cầu thủ Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ.
Sau hàng loạt sự việc như cầu thủ bất ngờ bị sa thải ở CLB XSKT Cần Thơ, hay án phạt “không giống ai” của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đối với Quế Ngọc Hải khi gây chấn thương cho Anh Khoa, đến lúc này, người ta nói nhiều về việc cần có một Hiệp hội Cầu thủ Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ.

Quyền lợi của các cầu thủ Việt Nam vẫn nằm trong tay VFF. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 
Muốn có Hiệp hội cầu thủ...
 
Hai cầu thủ Nguyễn Ngọc Điểu và Nguyễn Đức Linh đã bị CLB XSKT Cần Thơ đơn phương chấm dứt hợp đồng vào cuối tháng 4, với lý do họ không hoàn thành công việc và không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, mà không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào. Mới đây nhất, XSKT Cần Thơ tiếp tục sa thải thủ môn Bửu Ngọc trước thời hạn cũng với lý do tương tự.
 
Hậu vệ SLNA Quế Ngọc Hải thì đang điêu đứng vì số tiền hơn 830 triệu đồng chi phí điều trị chấn thương của Anh Khoa mà phía SHB Đà Nẵng yêu cầu bồi hoàn, theo án phạt được cho là nhiều bất hợp lý của VFF.
 
Những sự kiện tiêu biểu cho việc cầu thủ không được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, bị đối xử bất công này đã khiến cho đề án thành lập Hiệp hội cầu thủ lại được người ta nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Thực tế, đề án thành lập Hiệp hội cầu thủ Việt Nam đã được triển khai từ năm 2007, nhưng sau 8 năm vẫn chưa được đi vào thực thi. Điều lệ thành lập Hiệp hội đã được soạn thảo, nhưng tổ chức này vẫn chưa thể ra đời do VFF vẫn chưa chấp thuận.
 
Các Hiệp hội cầu thủ trên thế giới, như Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) với lịch sử hơn 100 năm ra đời, đã khẳng định rất tốt vai trò trong việc đấu tranh đòi quyền lợi cho các cầu thủ. Một ví dụ điển hình là mùa giải 2012-2013, trận đấu giữa MU và Fulham tại Old Trafford hôm 25.8.2012, Rooney đã bị một vết rách sâu ở đùi sau nỗ lực cản phá pha dứt điểm của Rodallega. Ngay sau đó, Giám đốc điều hành của PFA Gordon Taylor lên tiếng cho rằng, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và những nhà sản xuất giày thi đấu cần phải họp bàn để đưa ra quy định mới về độ an toàn của các mẫu giày được làm theo công nghệ hybrid. Sau đó, đại diện của FIFA xác nhận sẽ mở lại cuộc điều tra về chuẩn an toàn của giày thi đấu.
 
Một vụ việc không lớn, nhưng đã cho thấy tiếng nói của PFA có hiệu quả như thế nào.
 
... phải cải tổ VFF trước
 
Trước vấn đề thành lập Hiệp hội cầu thủ ở Việt Nam có phù hợp trong thời điểm và cung cách điều hành hiện tại của VFF, đồng thời có bảo vệ được quyền lợi của các cầu thủ hay không, chuyên gia Trịnh Minh Huế cho biết: “VFF hay VPF ra đời, đi vào hoạt động còn nhiều thứ không được người hâm mộ bóng đá chấp nhận. Vì chúng ta còn kém cỏi. Có những thứ đơn giản, rõ ràng không phải đấu về luật, chỉ cần có những con người có chuyên môn, có tâm và đi học hỏi ở các nước tiên tiến về còn không làm nổi, nói gì đến các chuyện khác.
 
Mô hình hiệp hội cầu thủ ở các quốc gia khác trên thế giới hoàn toàn khả thi và được ủng hộ. Ví dụ như ở Anh, họ có thể dùng luật, do họ thống nhất với Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Theo tôi, Việt Nam cũng cần có hiệp hội cầu thủ. Tuy nhiên, tất cả các hội đó còn phải đi sau lâu nữa. Trước tiên, chúng ta cần làm những việc lớn trực tiếp để đưa nền bóng đá vào quỹ đạo”.
 
Nói không xa, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được thành lập ra để tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia với tôn chỉ, mục đích ngay từ đầu rất tốt, với hy vọng hoạt động độc lập khỏi VFF. Tuy nhiên, sau 4 năm đi vào hoạt động, tổ chức này đang dần bị “VFF hóa” với những vấn đề nổi cộm ở V-League 2015. Điều đó cho thấy rằng, nếu VFF vẫn không thay đổi cơ chế quản lý, hoạt động, thì dù hiệp hội cầu thủ có ra đời cũng rất có thể chỉ là tổ chức trực thuộc của VFF và lại đi vào vết xe đổ của VPF. Và quyền lợi của các cầu thủ vẫn sẽ nằm trong tay của VFF.
 
>> VFF sắp xử lại vụ Ngọc Hải – Anh Khoa
 
Theo Đăng Huỳnh (Lao Động)