Thể thao >> Thể thao quốc tế

Trung Quốc xem bóng đá Nhật Bản là hình mẫu khi mơ về World Cup

Các fan Trung Quốc nhìn tuyển Nhật Bản tại World Cup với sự ghen tỵ, còn Bắc Kinh đang nhờ quốc gia đối thủ giúp nâng cao trình độ bóng đá.

Trung Quốc xem bóng đá Nhật Bản là hình mẫu khi mơ về World Cup
Các cổ động viên người Trung Quốc vẫy quốc kỳ trong trận đấu giữa Costa Rica và Serbia ở World Cup 2018. Ảnh: EPA

Bên ngoài sân vận động Ekaterinburg, một nam cổ động viên vẫy cờ Trung Quốc và cố gắng hô "Senegal! Sengal" khi đội tuyển châu Phi sắp đối đầu với Nhật Bản. Tuy nhiên, anh chàng không thu hút được nhiều sự chú ý. Trận đấu sau đó kết thúc với tỷ số hòa 2-2 khiến cả hai đội tiếp tục cạnh tranh để giành một suất vào vòng trong của World Cup 2018.

Màn biểu diễn của Nhật Bản tại giải đấu năm nay gây ngạc nhiên sau khi huấn luyện viên Vahid Halilhodzic bị sa thải và Akira Nishino được chỉ định thay thế chỉ hai tháng trước vòng chung kết. Những lo ngại về người cầm quân cuối cùng nhường chỗ cho sự thể hiện trên cả mong đợi của các cầu thủ Đông Á trước Colombia và Senegal. 

Dù nam cổ động viên Trung Quốc trên ủng hộ cho các đội đối thủ của Nhật Bản thì giữa hai quốc gia vẫn tồn tại sự tôn trọng lẫn nhau khi Bắc Kinh muốn học hỏi Nhật Bản và Hàn Quốc để đưa đội bóng nước nhà ra đấu trường thế giới.

Đội tuyển bóng đá của hai quốc gia này đều có thành tích khiến Trung Quốc phải ghen tỵ. Nhật Bản đã 6 lần tham dự World Cup, trong khi Hàn Quốc góp mặt vào giải đấu này lần đầu tiên từ năm 1954 và duy trì thành tích trên từ năm 1986. Họ cũng từng lọt vào đến bán kết khi đồng tổ chức World Cup cùng Nhật Bản vào năm 2002. 

"Fan Trung Quốc quan tâm đến các trận đấu này vì các cầu thủ Hàn và Nhật có thể lực tương tự", Zhou Chao, phóng viên thể thao của trang Sina, cho hay. "Chúng tôi cùng một khu vực và chúng tôi muốn xem họ thể hiện thế nào trước các đội châu Phi và châu Âu để học hỏi".

Trung Quốc xem bóng đá Nhật Bản là hình mẫu khi mơ về World Cup - 1
Wu Hongxue, một người Trung Quốc, vẽ cờ Đức lên mặt trước trận Đức - Mexico hôm 17/6. Ảnh: Media Corp

Giới chức Trung Quốc từ lâu đã nhờ cậy Nhật Bản hướng dẫn thành lập trung tâm đào tạo nhằm phát hiện ra các tài năng bóng đá giữa quốc gia 1,4 tỷ người.

Các cựu huấn luyện của đội tuyển quốc gia Nhật Bản Takeshi Okada và Philippe Troussier đã tìm kiếm đầu vào suốt thập kỷ qua, trong khi Tom Byer, một huấn luyện viên người Mỹ ở Tokyo, tham gia thiết lập một hệ thống nhằm cải thiện chất lượng phát triển ở các trường học trên khắp Trung Quốc.

"Bây giờ nhiều huấn luyện viên Nhật Bản đang ở Trung Quốc, làm việc với lứa U17, U18 và U20", ông Okada, người dẫn dắt Nhật Bản đến các vòng chung kết World Cup 1998 và 2010, nói. "Có nhiều huấn luyện viên Nhật Bản nhưng chủ các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc không muốn nuôi dưỡng các cầu thủ trẻ. Họ chỉ muốn cải thiện đội hình chính của mình. Tôi hy vọng điều này sẽ thay đổi".

Okada, một trong hai nhà cầm quân châu Á từng đưa đội bóng của mình vào vòng loại trực tiếp của World Cup, cũng có những trải nghiệm riêng ở Trung Quốc khi từng dẫn dắt đội Greentown Hàng Châu qua hai mùa, từ năm 2012.

Ông tin rằng màn trình diễn của đội bóng Samurai tại Nga những ngày qua càng khiến cộng đồng bóng đá Trung Quốc phải hướng ánh mắt về phía Nhật Bản. 

"Trước đây, những người liên quan tới nền bóng đá Trung Quốc dành sự ngưỡng mộ cho bóng đá Nhật Bản nhưng gần đây họ muốn học tập từ châu Âu vì có nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, sau World Cup này, tôi hy vọng sẽ lại nhìn vào chúng tôi".

Dù một số người quan tâm tới bóng đá phương Tây, ông Troussier nhấn mạnh rằng quan hệ bóng đá giữa Nhật Bản và Trung Quốc có sự tôn trọng và mạnh mẽ.

"Người Trung Quốc nhận ra rằng Nhật Bản là một quốc gia bóng đá tiên tiến và họ biết rằng Nhật Bản đã làm tốt tại World Cup, họ có hạ tầng tốt với các chính sách kỹ thuật phù hợp", huấn luyện viên người Pháp từng dẫn dắt Nhật Bản tại World Cup 2002, nói. "Họ chấp nhận điều đó.

Ông Troussier cũng từng là nhà cầm quân của hai câu lạc bộ Thâm Quyến và Trùng Khánh của Trung Quốc.

"Khi còn ở Trung Quốc, tôi đã lấy Nhật Bản làm hình mẫu cho người Trung Quốc và tôi giải thích với họ rằng các anh phải tận dụng láng giềng", ông cho hay. "Nhật Bản đang xây dựng một mối quan hệ tốt với Trung Quốc thông qua bóng đá. Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đã cử người sang đó hỗ trợ. Họ có sự phối hợp và quan hệ rất tốt".

Trung Quốc xem bóng đá Nhật Bản là hình mẫu khi mơ về World Cup - 2
Các cổ động viên Trung Quốc mặc áo cổ vũ cho đội tuyển Argentina trước trận gặp Iceland hôm 16/6. Ảnh: Media Corp

Trong khi nhiều fan ở Nhật Bản băn khoăn tại sao nước này lại giúp đỡ một quốc gia đối thủ phát triển bóng đá, ông Okada khẳng định các tiêu chuẩn của bóng đá châu Á cần được nâng cao để Nhật Bản và các nước khác trong khu vực thu hẹp khoảng cách với các cường quốc dẫn đầu bóng đá thế giới. 

"Việc bóng đá Nhật Bản hỗ trợ Trung Quốc là quan trọng vì khi đội tuyển quốc gia Nhật Bản thi đấu các trận quốc tế cấp độ A, hơn một nửa trong số đó là với các đội châu Á và chúng tôi phải đấu với các đội mạnh thì mới tiến bộ được", ông nói. "Nhật Bản là số một ở châu Á nhưng với các đội châu Âu và Nam Mỹ, đẳng cấp vẫn còn cách xa, vì thế phải cải thiện trình độ ở châu Á. Chúng tôi cần Trung Quốc và các đội bóng khác ở châu Á mạnh hơn".

Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)