Video

Sân bay Phượng Hoàng ở Kon Tum thành nơi phơi sắn

Di tích lịch sử sân bay Phượng Hoàng (Kon Tum) từ nhiều năm nay trở thành nơi phơi, chứa bã sắn của người dân.

Di tích lịch sử sân bay Phượng Hoàng (Kon Tum) từ nhiều năm nay trở thành nơi phơi, chứa bã sắn của người dân.

Sân bay dã chiến Phượng Hoàng (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, Kon Tum) do Mỹ xây dựng trước năm 1972 nhằm phục vụ chiến tranh. Sau giải phóng, sân bay không còn hoạt động và trở thành di tích lịch sử.

Hiện nay, di tích chỉ còn lại phần đường băng dài khoảng 2 km, nằm bên cạnh Quốc lộ 14. Khu vực sân bay là một phần trong chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972 của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Dù có treo bảng cấm xâm phạm, nhưng từ nhiều năm nay phần đường băng hiện hữu đã trở thành nơi phơi nông sản của nông dân trong vùng.

Trong đó, được phơi nhiều nhất là sắn, khắp đường băng trở thành nơi tập kết bã sắn. "Ở gần đây có nhà máy chế biến tinh bột sắn đưa vào hoạt động từ năm 2005 nên từ đó đến nay khu sân bay trở thành nơi phơi, chứa bã sắn. Ngoài ra, người dân còn tận dụng để phơi cả cà phê", ông Hồng (xã Tân Cảnh) cho biết.

Hai bên hành lang đường băng là dải đất trống được người dân tận dụng trồng sắn.

Phần đất hai bên hành lang của đường băng sân bay, mỗi ngày đều có nông dân mang sắn đến trồng.

Gần đây, một số người còn mang cây cu li (một loài cây có tác dụng chữa bệnh) đến sân bay để sơ chế, phơi khô.

Phần đường băng rộng khoảng 20 m, sau gần nửa thế kỷ tồn tại đã hư hỏng, nhiều đoạn bị bong tróc, nứt nẻ.

Một phần di tích sân bay Phượng Hoàng trở thành nơi tập lái xe.

Hệ thống cống thoát nước không còn hoạt động, chỉ còn lại một vài đoạn ống cống.

Theo ông Ông A Chiến (Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh): "Khu vực sân bay Phượng Hoàng thuộc Quân khu 5 quản lý nên địa phương không có quyền can thiệp. Từ tháng 3/2014, chính quyền xã đã có văn bản cấm phơi sắn tại khu vực sân bay vì gây ô nhiễm. Xã cũng đã gặp trực tiếp công ty chế biến tinh bột sắn để làm việc. Dù đơn vị này có cam kết không phơi nữa nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được giải quyết triệt để".

Theo Quỳnh Trần (VnExpress.net)