Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mặc bỉm làm việc

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã trải qua những ngày làm việc rất căng thẳng. Có thời điểm bệnh nhân trở nặng, các bác sĩ phải hội chẩn gấp vào nửa đêm.

Chiều 22/4, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vui mừng cho biết, bệnh viện có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Cơ sở y tế này hiện còn điều trị khoảng 40 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều người sức khỏe tiến triển tốt.

Bác sĩ Bình kể, chuẩn bị vào ca, các y bác sĩ mang áo, mũ, găng tay, và thêm một món đồ trước đây mọi người chưa từng dùng đến - bỉm. Những ngày này, mỗi ca trực của y bác sĩ dài 4-5 giờ, lúc dịch lên cao, ca trực dài 12 giờ.

"Các bác sĩ khi thăm khám cho bệnh nhân phải mặc đồ bảo hộ kín, rất nóng. Mỗi lần cởi đồ bảo hộ đều không thể tái sử dụng, vì vậy sẽ rất tốn kém, nhân viên y tế thậm chí mặc bỉm để hạn chế đi vệ sinh", bác sĩ Bình nói.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mặc bỉm làm việc
Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Mặc đồ bảo hộ đúng cách là một quy trình thật cẩn thận, nhưng lúc cởi đồ còn phức tạp hơn bởi nếu sơ sẩy để tay chạm vào mặt ngoài sẽ bị lây nhiễm mầm bệnh. Đồ bảo hộ chỉ mặc một lần, mỗi lần đi vệ sinh là một lần vứt bỏ luôn.

"Khi có bỉm, chúng tôi có thể thoải mái làm việc, nạp năng lượng, không gặp phải khó khăn nữa", bác sĩ Bình nói. "Mọi người chỉ cần hạn chế uống nước, cứ mặc một bộ suốt ca trực luôn".

Với các bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng, tiết kiệm từng giờ phút và thức đêm là yêu cầu thường xuyên. Bác sĩ Bình kể, như ca bệnh số 19 (bác của bệnh nhân 17), ngày 8/4 bệnh nhân bị sốc tim, 3 lần ngừng tim. Chúng tôi phải hội chẩn ngay trong đêm. May mắn, bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, có dấu hiệu hồi phục.

Hay như "bệnh nhân 20", 64 tuổi, có khi ngừng tim vài lần trong một đêm, cả kíp trực thức trắng hội chẩn và cứu chữa. Đã có bác sĩ bị nhiễm SARS-CoV-2 trong lúc điều trị các bệnh nhân nặng. Giữa những lúc nghỉ ngơi hiếm hoi, các bác sĩ có thể bất thần được gọi đi cấp cứu.

"Lúc đó mới bắt đầu mặc đồ bảo hộ thì chậm mất, đấy là lý do bác sĩ cứ mang nguyên bộ suốt ca, kể cả ca đêm", ông nói.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là cơ sở y tế tuyến đầu, đến nay điều trị khỏi hơn 100 bệnh nhân Covid-19, nhiều nhất cả nước. Áp lực về thể chất và tinh thần đặt lên vai các y bác sĩ, nhiều người chưa từng ra khỏi bệnh viện từ ngày 6/3, khi dịch xuất hiện trở lại.

"Phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, cũng không thể nói là không lo lắng", bác sĩ Bình tâm sự. "Nhưng đã bước chân vào ngành truyền nhiễm, chúng tôi xác định sẽ làm hết sức mình, làm đầy đủ biện pháp dự phòng để hạn chế lây nhiễm nhất có thể".

Thùy Dương (Nguoiduatin.vn)