Xã hội
02/09/2020 10:58Bé gái vô danh 7 năm theo mẹ ăn xin trên cầu Thanh Trì đã được khai sinh, bà ngoại rưng rưng ngày đầu tiên dắt tay cháu tới trường
Cô bé vô danh chính thức có tên
Ngày 1/9, bà Lê Thị Hồng ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phấn khởi thông tin với chúng tôi rằng, cháu gái ngoại của bà 8 tuổi vừa có giấy khai sinh mang tên Nguyễn Bích D.. Đặc biệt, hôm nay (1/9) cũng là ngày bé D. được đến trường như bao các bạn khác, sau nhiều năm mong mỏi.
Trong ngôi nhà chưa đầy 10 mét vuông, bà Hồng với tâm trạng phấn khởi nhưng cũng nhiều ưu tư chia sẻ, trong nhiều tháng qua một mình bà vất vả ngược xuôi đi tận Từ Sơn, Bắc Ninh rồi lại về Hà Nội để lo làm giấy khai sinh cho cháu ngoại. Ban đầu rất khó khăn bởi vì cháu gái không có bất kỳ giấy tờ nào về nhân thân.
Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhiều người khác, cách đây 2 tháng bé gái được phường Chương Dương cấp Giấy khai sinh mang tên theo họ của mẹ: Nguyễn Thị D. (SN, 2012). Đúng vào thời điểm này, bà Hồng cũng lo thủ tục xin cho bé D. đi học lớp 1.

Cầm tờ giấy khai sinh đã được ép plastic lên tay, bé D. chỉ cảm nhận rằng nó rất đẹp, khi chúng tôi hỏi bé, bé tỏ ra rất vui vì lần đầu tiên được tiếp xúc với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Trước khi được đến trường, bé đã biết đọc bảng chữ cái, đếm đến 10 do bà ngoại dạy.
"Hôm nay cháu được làm quen với các bạn, cháu được cô giáo hướng dẫn chỗ ngồi. Cháu rất vui vì được đi học", bé D. nói.
Ký ức buồn
"Cháu mong mẹ cháu sống lại, cháu mong được các bạn đến chơi".
Nói đoạn, giọng bé D. như trùng xuống, chưa một ngày nào bé quên được vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra hồi đầu năm, khiến người mẹ của bé ra đi mãi mãi.

Mẹ của bé là chị Nguyễn Thị Th. (35 tuổi), trong suốt 7 năm ròng cho tới khi qua đời vì bị xe máy tông, chị Th. được nhiều người biết đến là người phụ nữ ngày ngày dắt theo con nhỏ đi bộ lên cầu Thanh Trì ăn xin.
Thời điểm hình ảnh 2 mẹ con tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội, chúng tôi tìm hiểu và được biết chị Th. từng có 2 đời chồng và có 4 đứa con. Bé D. là con gái nhỏ tuổi nhất của chị, nhưng cho tới giờ vẫn chưa biết mặt cha. Bà ngoại kể, khi D. vừa được 3 ngày tuổi, chị Th. đã bắt đầu mang theo bé lên cầu Thanh Trì kiếm sống.
Bà Hồng cho biết, bản thân bà có số phận cũng không may mắn vì chồng mất sớm nên phải một mình nuôi 3 người con, cuộc sống quá éo le nên các con của bà phải tự bươn trải từ nhỏ, lớn lên chị Th. cũng lang bạt rồi sinh những người con như thế nào, bà Hồng cũng không thể nắm được.

"Tôi từng nhiều lần đi tìm nhưng chẳng thấy nó (chị Th.), cách đây hơn 1 năm có cảnh sát đến nhà tìm hiểu vì cho rằng Th. đang mang cháu D. đi ăn xin là lợi dụng và cần xác minh xem có đúng nó đẻ con. Sau lần đó, Th. về đây tá túc, nhưng do một lần Th. có lấy cái điện thoại của mẹ, bị tôi mắng thì nó bế con bé rời khỏi nhà, kể từ hôm đó nhiều lần tôi cũng đi tìm nhưng không thể gặp", bà Hồng nhớ lại.
Cho đến ngày 15/2/2020, một vụ tai nạn xảy ra trên cầu Thanh Trì khiến chị Th. bị tử vong tại chỗ. Lúc này, cơ quan chức năng thông tin thì bà Hồng và gia đình mới biết để đến giải quyết và nhận lại cháu D về nuôi.
Hoàn cảnh rất khó khăn
Theo bà Hồng, kể từ ngày mẹ mất, bé D. về sống cùng bà ngoại mới dần lấy lại sức khỏe. Trước đó bé D. không được làm giấy khai sinh, không có bạn bè, không được đi học và luôn phải sống lang bạt khắp các gầm cầu.
Tuy có cuộc sống khó khăn chồng chất, thêm nữa mùa Covid-19 diễn ra khiến công việc tạp vụ của bà Hồng đang làm cho nhà hàng trên phố Tông Đản bị ảnh hưởng nhưng vẫn cố gắng mọi cách để cháu gái được ăn học.

"5 tháng nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên chủ nhà hàng chậm lương (mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu đồng). Trước đây thì được họ cho bữa ăn, nhưng bây giờ phải mang cạp lồng cơm đi theo. Tranh thủ lúc ca 'gãy' (tức là làm theo giờ) thì tôi nhặt ve chai kiếm vài đồng để có tiền cho mấy bà cháu qua ngày. Thậm chí mùa Covid-19 trước, phường có chính sách hỗ trợ tuy chẳng đang báo nhiêu, tôi có ra hỏi về trường hợp của bé nhưng họ bảo không được", bà Hồng tâm sự.
Về việc học của bé, bà Hồng cho biết, hôm qua là ngày đầu tiên đến nhận lớp, đích thân bà đưa cháu D vào lớp. Kinh phí ban đầu để mua sách, đồng phục và một số đồ dùng học tập cho cháu thì bà Hồng đã tạm phải vay mượn.
Phía trước hẳn sẽ là những ngày vất vả với 2 bà cháu bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng bà Hồng vui vì sau 8 năm trời, cháu ngoại của bà cuối cùng cũng đã có tên, đã được tới trường.

Theo Minh Ngọc (Pháp Luật & Bạn Đọc)
Tin cùng chuyên mục








-
Cụ bà 73 tuổi và 80 lần sát phạt tại sòng bạc triệu đô ở khách sạn Pullman (08/07)
-
Giữa lùm xùm nhập tịch, tuyển Malaysia sắp có thêm "tân binh" giá 46 tỷ đồng từ Tây Ban Nha (08/07)
-
Hình ảnh cuối cùng của nhiếp ảnh gia Đức Dũng trước khi qua đời trong vụ cháy ở TPHCM (08/07)
-
Cựu Trưởng ban quản trị chung cư Miếu Nổi và đồng phạm tham ô 1,2 tỷ đồng (08/07)
-
Người đàn ông sốt cao, hôn mê sâu do nắng nóng: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt (08/07)
-
Mỹ: Xả súng ngẫu nhiên kinh hoàng ngay giữa phố (08/07)
-
Cháy chung cư Độc Lập làm 8 người tử vong: Nguyên nhân do chập đường dây điện người dân tự đấu nối (08/07)
-
Hyundai làm thêm SUV nhỏ mới: Có thể cùng cỡ Venue, thiết kế nội thất hoàn toàn mới, ra mắt năm nay (08/07)
-
Cho con gái 14 tuổi tham gia trại hè, tháng sau cha mẹ bàng hoàng nhận tin: "Con đang hấp hối" - Bức thư cầu cứu vạch trần sự thật (08/07)
-
Động thái mới nhất sau vụ cháy chung cư Độc Lập khiến 8 người tử vong (08/07)
Bài đọc nhiều




