Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Bộ LĐTB&XH yêu cầu Thanh Hóa kiểm chứng việc dân từ chối nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19

Bộ LĐTB&XH yêu cầu Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra tính xác thực việc hàng nghìn người tự nguyện không nhận hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tối 12/5, Bộ LĐTB&XH có công văn gửi Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu làm rõ thông tin hàng nghìn người dân tại các huyện trên địa bàn tự nguyện gửi đơn không nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Trong văn bản được gửi đi, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH đề nghị Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra tính xác thực của sự việc.

Địa phương phải gửi kết quả rà soát về Văn phòng Bộ trước ngày 14/5 để báo cáo Bộ trưởng LĐTB&XH.

Bộ LĐTB&XH yêu cầu Thanh Hóa kiểm chứng việc dân từ chối nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19
Bộ yêu cầu Thanh Hóa kiểm tra việc hàng ngàn hộ không nhận tiền hỗ trợ COVID-19

Trước đó, Zing và nhiều cơ quan báo chí khác phản ánh về việc hơn 2.400 người dân ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tự nguyện không nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng vì muốn giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ trong phòng dịch Covid-19.

Theo thông tin ghi nhận được từ Phòng LĐTB&XH huyện, hơn 46.500 người ở các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo của huyện thuộc diện hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19, với tổng số tiền trên 48 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hơn 2.000 người dân trên địa bàn đã tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Ngoài huyện Thọ Xuân, báo chí cũng phản ánh việc nhiều người dân ở các huyện khác như Quảng Xương, Hoằng Hóa... từ chối nhận số tiền hỗ trợ từ gói an sinh - xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Riêng Quảng Xương có hơn 300 hộ nghèo, cận nghèo với 1.350 nhân khẩu từ chối nhận hỗ trợ.

Về thông tin địa phương ép người dân không nhận hỗ trợ đang lan truyền trên mạng, lãnh đạo xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân) khẳng định đây là tin đồn thất thiệt.

Trao đổi với PV VOV, Ông Lê Chí Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh cho biết, đến thời điểm này ở xã có 112 khẩu tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ gói 62.000 tỷ, tất cả những hộ này đều là hộ cận nghèo. “Tôi cam đoan tất cả các hộ đều tự nguyện, không có ai do vận động hay bị ép buộc mà làm cả. Chúng tôi đã niêm yết công khai các nội dung này và trao đổi trên tinh thần công khai minh bạch để các tổ chức, cá nhân không lợi dụng việc này để trục lợi chính sách. Trên tinh thần các tổ rà soát và ban công tác mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội họp và rà soát và gửi danh sách lên, còn chính quyền chỉ tổng hợp lại danh sách”.

Sau khi triển khai Nghị quyết 42, địa phương cũng ban hành một công văn số 32 rất rõ về việc các đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh “yêu cầu các ông bà trưởng thôn, các tổ chức, cá nhân, đoàn thể không lợi dụng việc một số hộ dân được nhận chính sách để vận động ủng hộ thôn thực hiện một số nội dung trái với quy định của pháp luật. Thôn nào để xảy ra tình trạng trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Bức xúc trước những thông tin này, ông Lê Xuân Quang, thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa khẳng định: “Tôi xin nói rõ việc không nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 hoàn toàn là do tự nguyện của gia đình. Tôi làm đơn này từ hôm 30/4, còn việc rà soát đến mãi 2-3/5 mới xong, nên không có chuyện có ai ép buộc hay vận động tôi cả. Đây là hoàn toàn do gia đình tự nguyện. Tôi lên Uỷ ban xã nhờ các anh chị ở Văn phòng đánh máy giúp vì tôi không hiểu cách thức viết một lá đơn như thế nào cho đúng”.

Ông Quang chia sẻ, khi xem truyền hình và báo chí, thấy nhiều nơi như các khu cách ly, y bác sỹ, các anh chị tuyến đầu làm cật lực cả đêm, điều kiện sinh hoạt, ăn uống khó khăn nên ông thấy cần phải đóng góp một phần nhỏ bé. “Đó cũng chỉ là chút ít không là gì nhưng là tấm lòng, trách nhiệm của chúng tôi đối với công cuộc phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi ở quê cũng khó khăn, nhưng ra vườn còn hái được nắm rau để ăn, còn những người cách ly, các anh chị phục vụ không có điều kiện như vậy. Vì thế, tôi quyết định lên xã tự nguyện xin không nhận sự hỗ trợ, để nhường cho những người khó khăn hơn”.

Ông Quang cho biết, gia đình ông có 4 khẩu, tổng số tiền tự nguyện không nhận là 3 triệu đồng. Đây cũng là một số tiền khá lớn với nhà nông, nhưng theo ông “khó thì khó chung. 3 triệu ở nông thôn to thật nhưng nói cho cùng nhiều người còn khó khăn hơn. Mà trong đợt dịch vừa rồi, cộng đồng nhiều người đóng góp số tiền rất lớn, nên số tiền của tôi không đáng là bao”.

Ông Quang khẳng định, việc ông làm là hoàn toàn tự nguyện. Mà đã làm việc thiện, làm việc có ích thì âm thầm làm, chứ không nên thông tin rộng rãi làm gì. “Tôi thấy thông tin cho rằng chúng tôi bị vận động, bị ép là hoàn toàn sai sự thật, tôi không bằng lòng và rất buồn. Thực sự mà nói, tôi đóng góp có đáng gì, chỉ là thêm mớ rau nhưng lại bị xuyên tạc không chính xác, bị đưa lên mạng, tôi thấy rất phiền. Việc chúng tôi làm là tự nguyện, chứ không ai ép được chúng tôi. Khi tôi đã không muốn làm thì có ai ép hay vận động cũng không được”.

“Địa phương không có chủ trương làm đơn sẵn cho người dân”

Nói về lý do có mẫu đơn được soạn sẵn, ông Lê Chí Tuấn cho biết, địa phương không có chủ trương làm đơn sẵn cho người dân. Mà sau Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ ra đời, xã đã công khai, niêm yết đến tận các thôn, các thôn đã tổ chức họp, rà soát tới từng hộ và danh sách ai được hỗ trợ đều được niêm yết công khai. Nhiều hộ đã tự tự nguyện đăng ký không nhận tiền hỗ trợ, nhà nào có khẩu nào không nhận họ đều thông báo rõ. Trên cơ sở này các tổ rà soát ở thôn gửi lên xã và đề nghị các hộ này phải có đơn để chúng tôi báo cáo lên trên. Sau đó, thôn trao đổi lại với các hộ, nhiều hộ không biết viết một cái đơn như thế nào, nên nhờ cán bộ chính sách xã đã soạn sẵn mẫu cụ thể.

Sau khi có những thông tin trên mạng, ông Tuấn cho biết, UBND xã Xuân Sinh cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Thọ Xuân về vấn đề này. Ông Tuấn cho rằng, “những thông tin trên mạng xã hội về việc địa phương “ép một số hộ dân thuộc diện hưởng hỗ trợ không nhận chế độ chính sách của Nhà nước là thông tin không chính xác, xuyên tạc, làm mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương trước thềm đại hộ Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025”.

HP (Nguoiduatin.vn)