Xã hội

Bộ trưởng Y tế: "Thay đổi để lấy lại niềm tin của người dân"

Chất lượng khám chữa bệnh, y đức, tình trạng quá tải… là những vấn đề cấp bách trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân, đòi hỏi nỗ lực lớn từ phía ngành Y tế.

Chất lượng khám chữa bệnh, y đức, tình trạng quá tải… là những vấn đề cấp bách trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân, đòi hỏi nỗ lực lớn từ phía ngành Y tế.

Giảm tải bệnh viện

Khi đề án giảm tải bệnh viện được Chính phủ thông qua tháng 1/2013, hàng loạt các giải pháp được triển khai, trong đó Bộ Y tế tập trung đầu tư xây mới nhiều bệnh viện; nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất hiện có.

Tình trạng quá tải bước đầu được cải thiện. Từ chỗ nằm ghép trầm trọng, nay nhiều bệnh viện đầu ngành cam kết không tái diễn tình trạng này như Việt Đức, Nhi Trung ương, K Trung ương - cơ sở 3...

Tuy nhiên, tình trạng nằm ghép vẫn chưa thể kiểm soát ở 50% số bệnh viện trên cả nước, nhất là khi dịch bệnh vào mùa cao điểm tại các bệnh viện Ung bướu, Nhi đồng, Chợ Rẫy của TP HCM và Bạch Mai của Hà Nội...
 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm trẻ mắc sởi tại Bệnh viện Bạch Mai-Hà Nội khi dịch bùng phát đầu năm 2014. Ảnh: N.Phương.

Giải pháp then chốt thứ hai là phát triển y tế cơ sở thông qua chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, giúp tỷ lệ chuyển tuyến giảm 37%. Nhiều bệnh viện tỉnh đã thực hiện tốt các kỹ thuật khó như mổ tim hở, can thiệp tim mạch, mổ chấn thương sọ não...

Dù vậy, khi được hỏi nhiều người dân chưa thực sự tin tưởng vào trình độ chuyên môn của y tế cơ sở. Người bệnh không có bảo hiểm y tế vẫn sẵn sàng vượt tuyến, thậm chí ký cam kết chấp nhận nằm ghép để được điều trị tại tuyến trên.

Thay đổi thái độ phục vụ

Hỏi không thưa, trả lời cộc lốc, mắng mỏ người bệnh, người nhà, vô cảm... là những hành vi gây ác cảm của một bộ phận nhân viên y tế nhiều năm qua.

Để thay đổi hình ảnh y, bác sĩ trong mắt người dân, lần đầu tiên Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Khẩu hiệu ngành y tế đưa ra là Người bệnh đến niềm nở/người bệnh ở tận tình/người bệnh về dặn dò chu đáo. "Các bệnh viện không thay đổi thái độ phục vụ thì sẽ có ngày phải ngồi chơi", Bộ trưởng Tiến quyết liệt.

Những giải pháp này đã giúp số đơn thư khen ngợi, cảm ơn cán bộ y tế tăng lên hai lần qua thông tin từ đường dây nóng. Ngành đã kỷ luật hơn 2.000 cán bộ vi phạm đạo đức từ cảnh cáo đến buộc thôi việc. Dẫu vậy, để tạo ra chuyển biến sâu rộng và lâu bền không phải công việc đơn giản khi nhiều bệnh viện vẫn quá tải nặng nề.

Theo Bộ trưởng Tiến, giải pháp quan trọng là tài chính, tính giá dịch vụ y tế đúng - đủ bên cạnh việc kêu gọi nhân viên y tế rèn luyện phẩm chất đạo đức.
 

Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại. Ảnh phòng mổ hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: N.Phương. 

Nỗi lo văcxin

Việc một số trẻ sơ sinh tử vong bất thường, dù nguyên nhân không phải do văcxin đã gây tâm lý hoang mang, tác động tiêu cực đến chương trình tiêm chủng quốc gia.

Đầu tháng 5/2013, Bộ Y tế ra quyết định dừng sử dụng văcxin Quinvaxem sau khi có 43 trường hợp phản ứng nặng. Tổ chức Y tế Thế giới khi đó xác định chỉ 9 trường hợp liên quan đến văcxin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng văcxin.

Quinvaxem được sử dụng lại. Bộ Y tế khẳng định, tất cả văcxin đều được kiểm nghiệm an toàn trước khi lưu hành, bất cứ văcxin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định và không ai dám khẳng định thay văcxin sẽ không có tử vong, nhưng sự yên tâm của người dân thì chưa vực lại được.

Nhiều gia đình có điều kiện đổ xô đưa con đi tiêm văcxin dịch vụ "5 trong 1", "6 trong 1". Cung không đủ cầu tạo ra tình trạng khan hiếm văcxin dịch vụ mấy năm gần đây.

Chính sự chờ đợi văcxin dịch vụ của cha mẹ vô tình khiến nhiều trẻ không được tiêm phòng. Hậu quả dịch sởi bùng phát năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong, bệnh ho gà cũng xuất hiện nhiều hơn…

Chia sẻ với VnExpress, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do yêu cầu chính đáng của người dân về chất lượng dịch vụ y tế, nhiều bệnh dịch mới nổi phát sinh. Bà nhìn nhận thực tế Nhà nước đã cố gắng đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cán bộ y tế có thái độ đạo đức chưa đúng khiến người dân phàn nàn, giá dịch vụ y tế thấp hơn giá trị thực... Dù vậy, ngành đã và đang nỗ lực đổi mới toàn diện để đảm bảo phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.

"Tôi hy vọng các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương quan tâm đầu tư nhiều hơn cho ngành. Cán bộ y tế phải yêu quý, tôn trọng, tất cả vì lợi tích của bệnh nhân. Bên cạnh đó, tôi mong người dân cũng chia sẻ, đồng hành vì lợi ích chung", Bộ trưởng Tiến nói.
 
Kiến nghị của cử tri được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân báo cáo trước Quốc hội ngày 20/10/2015 cho thấy nhân dân phấn khởi trước một số giải pháp đã triển khai thực hiện như: mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế hướng tới bảo hiểm toàn dân, đưa vào sử dụng nhiều cơ sở y tế và chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến cho tuyến dưới; quy định người có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ và ngày lễ… Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh vẫn còn tình trạng quá tải ở một số bệnh viện, nhất là khi xảy ra dịch bệnh; ở một số nơi các dịch vụ khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế chưa tốt; tình trạng thuốc chữa bệnh chất lượng thấp, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ tiêu chuẩn còn nhiều.
 
>> Quốc hội bắt đầu 2,5 ngày chất vấn "chưa từng có"

Theo Nam Phương (VnExpress.net)