“Không cho mang súng về nhà mà khắc phục được những vụ như giết người nghiêm trọng ở Yên Bái, tôi cho rằng rất khó”, ĐB Bùi Văn Xuyền nói.
“Không cho mang súng về nhà mà khắc phục được những vụ như giết người nghiêm trọng ở Yên Bái, tôi cho rằng rất khó”, ĐB Bùi Văn Xuyền nói.

Đáng chú ý, tại buổi họp, nhiều ý kiến dẫn chứng vụ việc ông Đỗ Cường Minh - nghi can trong vụ giết hại Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái - để đề nghị thiết kế các điều khoản của pháp luật chặt chẽ hơn. Có ý kiến đề xuất, người đi làm nhiệm vụ xong phải nộp lại súng, không được mang súng về nhà.

Cấm mang súng về nhà: Chẳng lẽ đêm hôm gọi người dậy bàn giao súng? - Ảnh 1
ĐBQH Bùi Văn Xuyền trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Dương Thu).

PV đã có trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Xuyền, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này.

- Ông có ý kiến như thế nào trước đề xuất không cho người thi hành công vụ mang súng về nhà?

ĐB Bùi Văn Xuyền: Đề xuất này nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý vũ khí nói chung, nhất là sau khi xảy ra vụ việc giết người nghiêm trọng ở Yên Bái. Tôi thấy, giao súng cho người thi hành công vụ, cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng.

Ví dụ với đối tượng cảnh vệ, làm việc 24/24, nếu cứ phải bàn giao súng khi rời trụ sở thì rất mệt mỏi với thủ tục hành chính. Lực lượng cảnh vệ thường phải bảo vệ yếu nhân, hoặc bất chợt có nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo đi công tác ngay trong đêm. Chẳng lẽ đêm hôm lại gọi người dậy để bàn giao súng hay sao? Như thế sẽ vô cùng phức tạp. Chưa kể đến việc, bàn giao đi bàn giao lại nếu có phát sinh hỏng hóc thì quy trách nhiệm cho ai cũng khó.

- Được biết, đề xuất này nhằm hạn chế tình trạng các đối tượng được trang bị súng lạm dụng ngoài mục đích công vụ. Ông nghĩ sao về điều này?

ĐB Bùi Văn Xuyền: Không cho mang súng về nhà mà khắc phục được những vụ việc như giết người nghiêm trọng ở Yên Bái, tôi cho rằng rất khó. Nhìn lại những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến việc người thi hành công vụ rút súng bắn người thời gian qua, đa số vụ việc xảy ra trong giờ làm việc. Do đó, tôi nghĩ cấm mang súng về nhà không phải biện pháp tối ưu. Ngay như vụ giết người ở Yên Bái vừa qua cũng là trong giờ làm việc. Nạn nhân bị bắn ở cơ quan chứ không phải ở nhà riêng.

Soi chiếu vào vụ việc này, nếu nói kiểm lâm chỉ được mang súng khi đi rừng, vậy nếu như tôi phải đi công tác nhiều nơi khác xong vào rừng gấp thì sao? Chẳng lẽ mỗi khi vào rừng tuần hành tôi lại phải quay lại cơ quan để xin được giao súng. Như thế cũng khá bất cập. Tôi thấy đề xuất này không khả thi.

- Như vậy, điều quan trọng vẫn nằm trong ý thức, trách nhiệm của người thực thi công vụ, thưa ông?

ĐB Bùi Văn Xuyền: Đúng vậy. Họ phải có trách nhiệm quản lý vũ khí mà mình được giao. Một khi được giao vũ khí phải làm sao để quản lý chặt. Việc sử dụng súng trong giờ làm việc hay ngoài giờ làm việc mà không đúng mục đích đều nguy hiểm.

Quan trọng vẫn là ý thức của người thi hành công vụ - cụ thể là người được giao súng. Nói rộng ra, chúng ta cần xem lại công tác đào tạo cán bộ, quản lý cán bộ, theo dõi diễn biến tư tưởng tâm lý cán bộ. Với một người nóng tính, hay đe dọa cấp dưới, mâu thuẫn với đồng nghiệp thì phải xem xét lại tư cách và không thể giao vũ khí cho những người như vậy được.

Ví dụ, ông Cường Minh trong vụ Yên Bái được đánh giá là người tốt nhưng cục tính. Mặc dù đang điều tra và chưa có kết luận chính thức nguyên nhân vụ việc nghiêm trọng này nhưng rõ ràng, họ đều là những lãnh đạo cấp tỉnh, không thuộc diện cán bộ ít tuổi, bồng bột hay nhận thức non trẻ.

Theo Dương Thu (Nguoiduatin.vn)