Xã hội

Có biểu hiện thất thoát, tuồn vũ khí, đạn dược quá hạn ra ngoài

Hai kho đạn giữa khu dân cư của ông chủ phế liệu làng Quan Độ

"Biểu hiện thất thoát vũ khí đạn dược, bom mìn là có. Đặc biệt, do số lượng đạn quá hạn nhưng vẫn tận dụng, tiết kiệm để sử dụng nên thời gian qua có nhiều vụ nổ, ngay trong các cơ quan Bộ Quốc phòng cũng có đến 33 vụ nổ…"

Có biểu hiện thất thoát, tuồn vũ khí, đạn dược quá hạn ra ngoài
Đại tá Nguyễn Văn Tín - phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân VN - trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại buổi họp báo - Ảnh: Đ.BÌNH

Đại tá Nguyễn Văn Tín - phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân VN - cho biết như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ Online về việc kiểm soát, quản lý bom mìn, vũ khí đạn dược của Bộ Quốc phòng tại buổi họp báo về khắc phục hậu quả bom mìn, giới thiệu các hoạt động hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống bom mìn tại Bộ LĐ-TB&XH sáng 30-3.

Theo đại tá Tín, sau một số vụ nổ, nhất là sau vụ nổ hàng tấn đầu đạn ở kho phế liệu tại Quan Độ (Bắc Ninh), hay Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), Bộ Quốc phòng đã vào cuộc hết sức quyết liệt, trách nhiệm.

Bộ đã tổ chức hội nghị đánh giá, kiểm điểm về công tác quản lý vật liệu nổ quá hạn. Hội nghị này đã khẳng định "có biểu hiện thất thoát bom mìn sau khi rà phá. 

Số lượng, mức độ như thế nào Bộ Quốc phòng đã giao Bộ tư lệnh Công binh khẩn trương điều tra, làm rõ và hiện các cơ quan vẫn đang điều tra…".

Đại tá Tín cũng cho biết thực tế do tiết kiệm nên số lượng "đạn cấp 5" của Việt nam vẫn còn nhiều.

"Trên thế giới đạn có hạn 20 năm là xử lý hủy rồi, nhưng ở Việt Nam đạn cấp 5 vẫn còn để đến 30 năm. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, rồi công tác bảo quản không đảm bảo nên các vụ nổ vẫn xảy ra", đại tá Tín cho biết.

"Vậy sau vụ nổ ở Bắc Ninh, Bộ Quốc phòng đã điều tra, xử lý các cá nhân, đơn vị liên quan hay chưa?" - báo Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi.

Đại tá Nguyễn Văn Tín cho biết quan điểm của Bộ Quốc phòng là rất khẩn trương, vào cuộc quyết liệt, đã giao ngay các cơ quan chức năng điều tra.

"Nếu phát hiện cá nhân, đơn vị nào sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Đảm bảo không có vùng cấm hay bao che", đại tá Tín nói.

Tại họp báo, đại diện Bộ tư lệnh Công binh cho rằng với các vụ nổ ở Văn Phú hay Quan Độ, vai trò chính về quản lý là do địa phương. Phía quân đội là rà phá, quản lý vật liệu nổ và việc quản lý, kiểm soát vật liệu nổ đã có các quy định hẳn hoi và rất chặt chẽ.

Tuy nhiên trong thực tế như vụ nổ ở Bắc Ninh vẫn có lượng lớn đạn dược quá hạn không được xử lý, trở thành phế liệu để người ta mua bán.

Theo Đức Bình (Tuổi Trẻ)