Xã hội

Đề xuất cấm ô tô dừng quá 5 phút: Không dễ thực hiện

Quy định ô tô được dừng không quá 5 phút nêu trong dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an đề xuất đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ngay sau đề xuất chuyển quyền đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an, bản dự thảo luật này tiếp tục gây chú ý với quy định ô tô không được dừng quá 5 phút.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 18 của dự luật quy định, dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe. Còn tại khoản 2, Điều 18 nêu rõ, đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải dừng xe.

Dự thảo cũng quy định khi dừng, đỗ xe trên đường, người lái phải có tín hiệu báo cho người lái xe khác biết khi vào vị trí dừng, đỗ xe và chỉ được rời khỏi xe khi đã kéo thắng tay hoặc thực hiện các biện pháp an toàn.

Trường hợp xe gặp sự cố kỹ thuật hoặc buộc phải đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ, phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm phía sau xe và có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp. Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh và đánh lái về phía lề đường...

Đề xuất cấm ô tô dừng quá 5 phút: Không dễ thực hiện
Đề xuất ô tô không được dừng quá 5 phút nhận nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Ngoài ra, tại khoản 4 điều này cũng quy định người điều khiển xe không được dừng xe, đỗ xe bên trái đường một chiều; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi có tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng…

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc quy định giới hạn thời gian dừng xe tối đa là cần thiết để tránh tình trạng các phương tiện dừng xe quá lâu, gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, nếu quy định ô tô chỉ được dừng tối đa không quá 5 phút là khó khả thi.

“Thông thường, chỉ những chỗ công cộng có nhiều phương tiện ra vào đón trả khách như bến xe, bến tàu, sân bay... người ta mới quy định xe không được dừng, đỗ quá 5 phút để tránh ùn tắc, hỗn loạn giao thông. Còn nếu chỗ nào cũng giới hạn như thế sẽ gây khó khăn cho lái xe” – ông Bùi Danh Liên cho biết.

Chuyên gia này phân tích thêm, theo quy định hiện hành, dừng xe là trạng thái xe còn nổ máy, lái xe còn ngồi trên xe. Do đó, các phương tiện dừng xe thường trong các trường hợp cho hành khách lên xuống hoặc bốc dỡ hàng hóa gọn nhẹn, không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, thời gian dừng của các phương tiện lại không đồng nhất như nhau mà còn tùy thuộc vào từng bối cảnh cụ thể và hiện trạng giao thông.

Ông Bùi Danh Liên lấy ví dụ, trong trường hợp một chiếc xe đến đón khách ở bến tàu nhưng trong đoàn khách có nhiều người cao tuổi, trẻ em hoặc phụ nữ mang thai, thời gian dừng xe đương nhiên phải kéo dài hơn.

“Nếu áp dụng quy định này với tất cả các phương tiện trong mọi hoàn cảnh sẽ có nhiều bất cập xảy ra, gây bất lợi cho cả lái xe và hành khách đi xe” – ông Bùi Danh Liên nói và đưa ra một trường hợp khi xe hết 5 phút được phép dừng và buộc phải di chuyển song vẫn còn hành khách chưa xuống hết (có thể là trẻ nhỏ, người già) sẽ rất nguy hiểm.

Còn theo luật sư Giang Hồng Thanh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, quy định cấm ô tô dừng quá 5 phút không nên áp dụng đối với toàn bộ hệ thống đường bộ mà cần có chọn lọc để áp dụng tại những khu vực cụ thể như bến xe, bến tàu, sân bay, bệnh viện... Đặc biệt, trước khi lập danh mục những khu vực này đều phải có sự nghiên cứu thực tế, tính toán cụ thể, chi tiết và khoa học.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)