Xã hội

Điểm khác biệt giữa tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và 2

Giữa tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và mức độ 2 có nhiều điểm khác biệt, trong đó dễ nhận biết nhất là thông tin hiển thị và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.  Theo Điều 12 Nghị định 59 của Chính phủ, tài khoản định danh điện tử bao gồm mức độ 1 và mức độ 2.

Theo Nghị định 59, giữa tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và mức độ 2 có nhiều điểm khác biệt cơ bản. 

Đầu tiên là những điểm khác nhau về thông tin trong tài khoản định danh điện tử.

Đối với công dân Việt Nam, tài khoản định danh mức độ 1 gồm có các thông tin số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chân dung.

Đối với người nước ngoài: Tài khoản định danh mức độ 1 gồm có các thông tin:  Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và ảnh chân dung.

Tài khoản mức độ 2 đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài đều có các thông tin giống với tài khoản mức độ 1 nhưng được bổ sung thêm thông tin sinh trắc học là vân tay. 

Điểm khác biệt giữa tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và 2
 Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD. Ảnh: Đoàn Bổng

Hai là điểm khác nhau về cách đăng ký tài khoản định danh điện tử. Ở tài khoản định danh mức độ 1, công dân Việt Nam và người nước ngoài có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 thông qua ứng dụng VNeID.

Còn đối với cấp độ 2 với công dân Việt Nam thì phải đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD để đăng ký tài khoản. Với người nước ngoài thì phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc công an cấp tỉnh để đăng ký.

Ba là điểm khác nhau khi sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Với công dân Việt Nam, tài khoản định danh mức độ 1 có giá trị chứng minh các thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của chủ thể danh tính điện tử gồm: số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính.

Còn ở mức độ 2, tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD. Ngoài ra, tài khoản mức độ 2 có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Còn đối với người nước ngoài, tài khoản mức độ 1 có giá trị chứng minh các thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của chủ thể danh tính điện tử gồm: số định danh; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

Ở mức độ 2, tài khoản định danh điện tử người nước ngoài có giá trị tương đương như việc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế. Ngoài ra, tài khoản mức độ 2 có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của người nước ngoài được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Tính đến cuối tháng 5/2023, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được tạo lập 104 triệu người dân thực và hàng ngày đang quản trị trên hệ thống. Bộ Công an và công an các địa phương cấp 81 triệu căn cước công dân và khoảng 30 triệu tài khoản định danh điện tử.

Theo Đoàn Bổng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/diem-khac-biet-giua-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-muc-do-1-va-2-2151148.html