Xã hội

Fansipan và vấn đề xả rác trên nóc Đông Dương

"Nhìn hình ảnh nóc nhà Đông Dương chật kín người, tôi buồn, giống như mất mát thứ gì đó lớn lao", độc giả Lê Ngọc Tân bày tỏ.

"Nhìn hình ảnh nóc nhà Đông Dương chật kín người, tôi buồn, giống như mất mát thứ gì đó lớn lao", độc giả Lê Ngọc Tân bày tỏ.

Đây cũng sẽ là nguồn thu nhập đáng kể dành cho du lịch của Việt Nam và cũng phát triển du lịch Lào Cai nhiều hơn.Thu nhập của những người dân ở đây sẽ cao hơn, đó là điều đáng mừng.

Thế nhưng, từ sự việc này tôi lại nhận thấy những việc rất bất cập như sau.
 

Cáp treo giúp nhiều người tới được đỉnh Fansipan cao 3.143 m so với mặt nước biển. Ảnh: Anh Tuấn.

Điều đầu tiên phải nói đến là ý thức.

Tôi cũng là một người trẻ, một phượt thủ. Ở nhiều nơi, tôi thấy vấn đề ý thức của nhiều người rất tệ hại: xả rác, làm ô nhiễm môi trường tự nhiên, phá hoại cảnh quan thiên nhiên... và rất nhiều vấn đề nhỏ nhặt khác liên quan đến ý thức từng người. Có cách nào từ phía những người quản lý giúp vấn đề ý thức này được nâng cao không? Có lẽ là không, hoặc có chăng cũng là rất ít.

Liệu những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta có được bảo tồn không? Khi có bàn tay con người nhúng vào, sẽ có rất nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh. Có lẽ tôi hơi ích kỷ khi nghĩ nóc nhà Đông Dương chỉ dành cho phượt thủ và những người muốn chinh phục một thứ gì đó. Trước đây, cục inox nhỏ - biểu tượng của Fansipan -  là biểu tượng của sự chinh phục thử thách và ý chí.

Cách đây khoảng 5 năm, một bài báo đã gây ra làn sóng tranh cãi về việc một ông bố trẻ đưa cô con gái leo từng bước chinh phục nóc nhà Đông Dương.Tôi đã khá bất ngờ và kính phục ông bố trẻ ấy. Đứa trẻ đó đã kiên trì và chinh phục được. Điều này đã tạo cho cô bé ấy một ý chí, và tôi tin rằng điều này sẽ giúp cho em ấy có được bản lĩnh khi trưởng thành. Rất nhiều bạn trẻ bây giờ, do ở trong môi trường được bao bọc quá mức, chỉ biết học và học. Khi ra xã hội, họ thiếu bản lĩnh đương đầu với khó khăn và không chịu được những thử thách của cuộc sống.

Quay trở lại vấn đề cáp treo, những người dân muốn leo lên đỉnh nóc nhà Đông Dương, thay vì chinh phục nó trong 2 ngày 2 đêm, trèo đèo, lội suối và những vất vả để rèn luyện ý chí, giờ đây họ chỉ mất 15 phút để thực hiện. Vậy còn gì ý nghĩa nữa khi mà con người ta muốn chinh phục một điều gì đó trong đời?

Dân phượt chúng tôi có câu "4 cực, 1 đỉnh", ám chỉ đến 4 cực Đông - Tây - Nam - Bắc và đỉnh Fansipan. Đó là biểu tượng cho sự chinh phục cái gì đó mới và nhiều thử thách. Bây giờ sẽ có rất nhiều bạn trẻ và những thế hệ em chúng tôi sẽ không còn cơ hội để chinh phục Fansipan nữa.

Tôi chỉ hy vọng các phương tiện truyền thông có thể cảnh tỉnh ý thức của người dân như trong phần đầu ý kiến tôi có nhắc đến. Hãy cố gắng bảo tồn, đó là kỳ quan thiên nhiên. Mong rằng tình trạng như ở Điệp Sơn thủy đạo, hay vụ cháy rừng ở núi Chứa Chan, và những vụ phá hoại thiên nhiên khác do ý thức con người gây ra sẽ không lặp lại ở nóc nhà Đông Dương.
 
>> Vạ vật đầu năm đi "chinh phục" nóc nhà Đông Dương
 
Theo Độc giả Lê Ngọc Tân (Zing.vn)