Xã hội

Formosa không dỡ miếu thờ: Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm

Ông Vương Duy Bảo - Phó Cục trưởng, Cục văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa) cho biết, Bộ đã có ý kiến xử lý việc Formosa xây dựng miếu thờ trái phép.

Ông Vương Duy Bảo - Phó Cục trưởng, Cục văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa) cho biết, Bộ đã có ý kiến xử lý việc Formosa xây dựng miếu thờ trái phép.

Tại buổi làm việc giữa Cục văn hóa cơ sở ( Bộ Văn hóa) và UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa đã có ý kiến chỉ đạo Hà Tĩnh phải xử lý dứt điểm việc xây miếu thờ trái phép trên địa bàn của Formosa.
 
Về thẩm quyền xử lý, Bộ giao Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp.

Theo đó, Bộ yêu cầu Formosa phải phá dỡ ngay miếu thờ. Ông Vương Duy Bảo thẳng thắn cho rằng: "Bộ đã có chỉ đạo, địa phương không xử lý đó là trách nhiệm của địa phương. Cụ thể ở đây là Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Bộ Văn hóa và trước Thủ tướng Chính phủ".
 

Miếu thờ trong Formosa Hà Tĩnh. Ảnh GTVT

Theo ông Biên, đã là hành vi sai trái thì buộc phải thực hiện.

Tuy nhiên, đã bước sang tháng thứ 8 kể từ khi Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề xuất xây miếu thờ trong dự án và 7 tháng kể từ khi Tỉnh uỷ Hà Tĩnh ra văn bản đầu tiên thông báo không đồng ý đề xuất này, đến nay miếu thờ trong Fomorsa vẫn yên vị tại chỗ và chính quyền vẫn đang "vận động" tháo dỡ.

Buộc phải cưỡng chế?

Dù tỉnh Hà Tĩnh đã hai lần có văn bản chỉ đạo vụ việc này. Cụ thể, ngày 11/7/2014, Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra thông báo không đồng ý đề xuất xây miếu thờ trong dự án của Formosa. Formosa Hà Tĩnh sau đó vẫn tự ý xây dựng miếu thờ trong Khu kinh tế Vũng Áng.

Đến ngày 25/10/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ra công văn yêu cầu Formosa đình chỉ việc xây dựng nói trên. Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Nam Hồng cho biết, trong trường hợp Formosa Hà Tĩnh vẫn cố tình thi công hoặc không chịu dỡ bỏ phần miếu thờ đã xây dựng trái phép, tỉnh sẽ dùng biện pháp mạnh tay, kể cả là cưỡng chế.

Tuy nhiên, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội lại cho rằng: "Phía chính quyền địa phương gửi công văn cho chúng tôi bảo dừng công trình, không có chữ nào tháo dỡ cả. Nếu pháp luật Việt Nam quy định không cho xây dựng thì chúng tôi sẽ tháo dỡ ngay, còn nếu pháp luật không cấm thì chúng tôi được xây".

Trả lời chúng tôi, ĐBQH Lê Như Tiến - cho rằng hành động của Formosa cho thấy thái độ coi thường luật pháp, văn hóa tín ngưỡng của Việt Nam.... Đề nghị Hà Tĩnh phải có giải pháp mạnh hơn. Kể cả dùng biện pháp cưỡng chế.

"Dù là người Việt Nam hay nước ngoài sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện và làm đúng theo pháp luật của Việt Nam", ông Tiến nói.

Vị  đại biểu này cho rằng, khi xây dựng bất kỳ cái gì trên lãnh thổ Việt Nam đều phải xin phép và phải được sự đồng ý của cơ quan, chính quyền địa phương. Nếu không phù hợp với quy hoạch, cảnh quan, pháp luật của Việt Nam. Hà Tĩnh là cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn phải đảm bảo trước Thủ tướng quyết định của mình sẽ được thi hành.

Trong trường hợp này, Hà Tĩnh nên có công vân yêu cầu họ làm việc một lần nữa, đồng thời đưa ra thời hạn quyết định cho Formosa. Trong trường hợp, Formosa vẫn ngoan cố không tháo dỡ, Hà Tĩnh phải thực hiện biện pháp cưỡng chế buộc tháo dỡ.
 
Theo Lam Lam (Đất Việt)