Xã hội

Giảm giá vé và 1001 cách "xin đểu" của nhà xe

Dù nhiều doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc việc giảm giá vé, nhưng có nhiều nhà xe vẫn có những cách giảm đối phó và móc tiền của hành khách

Dù nhiều doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc việc giảm giá vé, nhưng có nhiều nhà xe vẫn có những cách giảm đối phó và móc tiền của hành khách.

Giảm giá bằng... một cốc trà đá?
 
Thời gian vừa qua, trước việc giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ Tài chính, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá vé các tuyến đường.
 
Đại đa số các nhà xe đều thực hiện chỉ đạo của các cấp quản lý. Theo tìm hiểu của phóng viên, mức giảm chủ yếu được áp dụng từ 10% - 20% tùy theo các tuyến đường. Ví dụ như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, một số doanh nghiệp đã giảm giá vé từ 80.000 đồng xuống còn 70.000 đồng.
 
Song vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp giảm giá theo kiểu đối phó và có trăm ngàn kế sách để "xin" lại số tiền đã giảm đó từ ví của hành khách.
 
Trao đổi với cô Trịnh Thị Dung (56 tuổi, hành khách trên tuyến xe từ Hà Nội - Thái Bình) ngày 10/2/2015, cô Dung cho biết:
 
"Thời gian này con dâu tôi mới sinh cháu nên tôi đi đi về về liên tục để vừa chăm con, vừa lo công việc ở nhà, do đó giá vé tăng giảm thế nào tôi nắm rất rõ. Có một số hãng xe lớn, xe khoảng 50 chỗ thì chủ động làm nghiêm túc, nhưng có những xe nhỏ 16 chỗ, hơn 20 chỗ thì làm ăn chống đối lắm."

Cảnh người dân chen nhau lên xe về quê ăn Tết ở bến xe Giáp Bát

 
Cô Dung cho biết thêm: "Có xe giảm giá từ 80.000 đồng xuống 77.000 đồng. Xong khi bước lên xe, đi được giữa đường thì phụ xe bắt đầu thu tiền. Nhưng chỉ mấy người ngồi ghế trên là được phụ xe trả lại 3.000 đồng tiền lẻ đó. Rồi đến những người sau thì anh ta bảo lý do không chuẩn bị đủ tiền lẻ, thôi thì xin khách hàng cái tiền đấy luôn.
 
Thấy nhiều người khó tính không cho thì anh ta càu nhàu, bảo là bằng cốc trà đá, làm gì phải làm khó nhau như thế? Nhưng rồi cuối cùng cũng không trả lại tiền. Nói là bằng cốc trà đá chứ những người buôn bán lao động, 3.000 đấy cũng bằng bữa cơm người ta ăn thêm được miếng thịt."
 
Trong khi đó, trao đổi với anh Lê Việt Dũng (SN 1992) khi đi tuyến Hà Nội - Ninh Bình chia sẻ: "Cuối năm mình hay đi về quê vì công việc ở nhà khá bận rộn. Mỗi lần đi một xe, nhưng tình trạng chung là nếu đi vào xe có giá 75.000 thì thường xuyên bị phụ xe thu tiền vé và không trả lại.
 
Người ta cứ bảo thiếu tiền lẻ, chờ đến dừng xe thì sẽ trả lại 5.000 đó, nhưng cuối cùng cứ lờ đi. Nhiều hành khách ngại không đòi là mất luôn số tiền này."
 
Chung trường hợp với anh Dũng, ông Đào Hồng Quang (SN 1977) cũng thường xuyên gặp trường hợp phụ xe "cố tình quên" không trả lại tiền lẻ trong các tuyến xe từ Hà Nội - Hải Phòng xuất phát ở bến xe Lương Yên.
 
Xin khách hàng tiền mừng tuổi?
 
Một lý do khác mà giới phụ xe hay dùng trong các dịp lễ Tết. Anh Bùi Thanh Xuân hiện đang làm việc tại Hà Nội than phiền về việc phụ xe mè nheo xin tiền trả lại trong tuyến Hà Nội - Thanh Hóa.
 
"Trường hợp này đặc biệt diễn ra ở những xe ghế ngồi loại nhỏ, mình không nhớ cụ thể hãng xe vì cứ tiện xe nào sắp rời bến là ngồi luôn. Thế nhưng đến khi lên xe, thấy phụ xe thường xuyên có kiểu xin khách tiền lẻ trả lại, khoảng 5.000 đồng, 10.000 đồng vì lý do không đủ tiền lẻ. Thấy khách khó chịu thì phụ xe bắt đầu than vãn, rồi xin thông cảm.
 
Anh Xuân cho biết thêm: "Bản thân mình khi đi hôm 11/2 cũng bị phụ xe xin đểu theo kiểu "anh không có tiền lẻ, thôi thì coi như chú mừng tuổi con anh nhé." Thấy phụ xe bặm trợn, dữ tướng, mình cũng chẳng lằng nhằng đòi 10.000 đồng nữa. Đó là một chiếc xe ghế ngồi 35 chỗ, có giá vé 90.000 đồng."
 
Những chiêu trò móc túi khách hàng như vậy vẫn diễn ra thường ngày, đặc biệt vào dịp cận Tết, xe dù, xe tăng cường xuất hiện nhiều. Chưa biết đó là chủ trương của doanh nghiệp hay tính xấu của đội lái xe, nhưng nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân.
 
Theo Minh Tuệ (Đất Việt)