Xã hội

GS Hồ Ngọc Đại và cuồng vọng với 'Công nghệ Giáo dục thực nghiệm'

Lẽ ra tôi không viết gì về cái gọi là “Công nghệ Giáo dục thực nghiệm” của GS Hồ Ngọc Đại nữa vì mọi chuyện có liên quan đã dần sáng tỏ và dư luận cũng đã lên tiếng phản bác mạnh mẽ Bộ sách giáo khoa (GK) Tiếng Việt Lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại. Thậm chí bộ sách GK này chưa được xem là sách chính thống, vẫn chỉ trong giai đoạn thử nghiệm, dù cuộc thí nghiệm đã kéo dài 40 năm mà chưa có hồi kết.

Nhưng tôi không thể không nói về buổi gọi là “họp báo” của GS Hồ Ngọc Đại mới đây với lời lẽ ngông cuồng, tự cao tự đại của ông ấy trước nhiều phóng viên và thách thức xã hội, thách thức dư luận, gây mối chia rẽ sâu sắc trong quan hệ gia đình, gieo rắc mầm mống đối chọi giữa con em và phụ huynh học sinh khi cao giọng tuyên bố “cha mẹ không được can thiệp vào việc học của con”.

Tính cách ngông cuồng và lời nói khó nghe

Sự ngông cuồng, ngạo mạn của GS Hồ Ngọc Đại nếu dẫn chứng ra đây thì rất nhiều, toàn những lời nói, câu nói khó nghe, kiểu “mục hạ vô nhân, duy ngã độc tôn” mà cộng đồng mạng trích dẫn, phê phán quyết liệt. Nhưng tôi thiết nghĩ, với một người có tên tuổi, học vị, học hàm như GS Hồ Ngọc Đại thì rất không nên có những lời lẽ khó nghe này.

Trở lại với cái gọi là phương pháp dạy trẻ trực quan, học Tiếng Việt đầu cấp tiểu học bằng các mô hình vuông, tròn, tam giác đã bị dư luận phản ứng dữ dội, nhất là phụ huynh học sinh, thậm chí có bậc cha mẹ học sinh vì quá bức xúc, thiếu kiềm chế đã “hỏa thiêu” luôn những cuốn sách “Công nghệ Giáo dục thực nghiệm” do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên và tuyên bố gay gắt rằng họ sẽ cho con nghỉ học vì không thể để con mình học thứ phương pháp kỳ lạ đó, tức là nhìn vào những ô vuông, tròn, tam giác đọc vanh vách một bài thơ, những câu chữ mà nếu nhìn mặt chữ trong câu thơ, bài thơ đó thì lại không biết.

Tôi cũng xin không nói tới hoặc dẫn chứng những sai trái về ngôn ngữ, về đạo đức, về tính nhân văn trong rất nhiều bài từ Bộ sách GK Tiếng Việt Lớp 1 theo “Công nghệ Giáo dục thực nghiệm” của GS Hồ Ngọc Đại mà cộng đồng mạng đã trích dẫn nhiều rồi và phụ huynh học sinh nhiều tầng lớp, vị trí xã hội cũng đã phản ứng quyết liệt vì nó sai nguyên tắc sư phạm, đạo đức giáo dục. Tôi chỉ đề cập tới những vấn đề bất cập từ tính cách đối kháng dư luận và quan điểm chỉ có mình làm giáo dục giỏi nhất không ai hơn được của GS Hồ Ngọc Đại qua những phát biểu coi thường dư luận, coi thường nhân dân mà thôi.

Xin dẫn ra đây một trong số ít những phát biểu của chính GS Hồ Ngọc Đại:

“Cha mẹ không được can thiệp vào việc học của con. Trẻ con phải được học những thứ chưa ai học. Nền giáo dục hiện đại là làm sao để trở thành chính nó chứ không noi gương ai”. “Nhiều người hiện nay thường dạy con theo kiểu noi gương các bậc thánh hiền, tôi thì không, bởi đó là nền giáo dục đầy ảo tưởng”. Và thách thức xã hội: “Sách Tiếng Việt Lớp 1 Công nghệ Giáo dục là thành tựu lớn nhất và sẽ tồn tại vĩnh viễn”.

GS Hồ Ngọc Đại và cuồng vọng với 'Công nghệ Giáo dục thực nghiệm'
GS Hồ Ngọc Đại

Cắt đứt mối dây liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong mối gắn kết: Gia đình - Nhà trường - Xã hội

Trước hết hãy nói về tính cách và quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại qua phát biểu mang tính xúi giục và kích động chia rẽ mối quan hệ gia đình này. Ai cũng biết, trẻ con không chỉ cần sự giáo dục của thầy cô ở nhà trường, không chỉ học và làm theo sách mà còn học và làm theo tấm gương, nhân cách của thầy cô trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Nhưng cho dù nhà trường có cố gắng đến đâu, việc dạy và học này cũng chỉ đáp ứng được một nửa. Trẻ về với gia đình rất cần sự chỉ dạy tiếp theo của cha mẹ, không chỉ cách học, cách đọc, truyền đạt kiến thức, đạo đức, nhân cách để hoàn thiện, hỗ trợ cho nhà trường. Nếu theo quan điểm “giáo dục công nghệ” của GS Hồ Ngọc Đại thì mối dây quan hệ này không còn, con cái sẽ tách rời cha mẹ, thậm chí nguy hiểm hơn là… đối chọi lại với cha mẹ trong cách dạy và học, chưa nói tới lãnh vực khác.

Về quan điểm: “Trẻ con phải học những thứ chưa ai học. Nền giáo dục hiện đại là làm sao trở thành chính nó chứ không noi gương ai”.

Tôi rất lấy làm lạ vì quan điểm “kỳ lạ” của một giáo sư như GS Hồ ngọc Đại. Trẻ con phải học những thứ chưa ai học là học… cái gì? Tức là GS Hồ Ngọc Đại muốn phủ nhận tất tần tật 4.000 năm văn hiến, nền tảng giá trị giáo dục truyền thống đã có sự bổ sung, hoàn thiện qua nhiều giai đoạn lịch sử để tồn tại, phát triển của ông cha để lại để chỉ học sách GK Tiếng Việt Lớp 1 theo “Công nghệ Giáo dục thực nghiệm” của GS Hồ Ngọc Đại với những mô hình ảo vuông, tròn, tam giác lòng vòng, hình một nẻo, chữ nghĩa một nơi và những “bài học” lươn lẹo, ma mãnh, lừa phỉnh trong câu chuyện “Quả bứa”, “Em giúp mẹ”, “Bàn tay mất ngón” và nhiều dẫn chứng sai trái về nhân cách, đạo đức khác? Và nếu cách giáo dục này trở thành một nền giáo dục chính nó, không theo gương ai mà chỉ theo gương ông GS Hồ Ngọc Đại thì cả thế hệ trẻ em, công dân tương lai của đất nước học sách của ông Đại sẽ đi về đâu?

Và đây, quan điểm, nhân cách kỳ lạ đến đỉnh điểm sự cuồng ngông của GS Hồ Ngọc Đại: “Nhiều người hiện nay thường dạy con theo kiểu noi gương các bậc thánh hiền, tôi thì không, bởi đó là nền giáo dục đầy ảo tưởng”.

GS Hồ Ngọc Đại và cuồng vọng với 'Công nghệ Giáo dục thực nghiệm' - 1

GS Hồ Ngọc Đại và cuồng vọng với 'Công nghệ Giáo dục thực nghiệm' - 2

Không noi gương thánh hiền chứ noi gương ai?

Xin thưa với giáo sư rằng, nếu dạy con không noi gương các bậc thánh hiền thì noi gương ai? Chẳng lẽ noi gương… GS Hồ Ngọc Đại? Như vậy là rõ ràng quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại không chỉ phủ nhận nền giáo dục truyền thống mà phủi sạch sành sanh những tấm gương của các bậc thánh hiền. Tôi nghĩ rằng các bậc thánh hiền có làm gì sai trái đâu mà ông Hồ Ngọc Đại lại “cay cú”, dè bỉu như vậy.

Để có một dân tộc này, một đất nước này, những bậc anh hùng, những bậc tiền nhân đã noi gương thánh hiền mà an dân, giữ cõi, chống giặc ngoại xâm không tiếc xương máu của bao thế hệ. Nếu không có nền tảng văn hóa truyền thống, đạo đức làm người, nhân cách sống trên dưới phân minh thì làm sao giữ vững mối giềng, xã tắc? Những lãnh tụ gần đây nhất như: Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… và nhiều lãnh tụ khác há chẳng vì noi gương thánh hiền, noi gương tiền nhân mà giành được độc lập, thống nhất được tổ quốc?

 Theo Từ Kế Tường (Nguoitieudung.com.vn)