Xã hội

GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT: Đã từng phát hiện 10.000 bằng giả trong 1 năm

GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - chia sẻ đã từng có một phong trào rất rầm rộ về phát hiện và tố giác người sử dụng bằng giả. Riêng năm đầu tiên, đã phát hiện 10.000 tấm bằng giả.

GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - chia sẻ đã từng có một phong trào rất rầm rộ về phát hiện và tố giác người sử dụng bằng giả. Riêng năm đầu tiên, đã phát hiện 10.000 tấm bằng giả.

GS Phạm Minh Hạc cho rằng việc phát giác bằng giả quá đơn giản. Vấn đề là có làm hay không. Ảnh: TL

Thưa GS Phạm Minh Hạc, thời gian gần đây, rộ lên những thông tin về việc một số lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí là những người đứng đầu một tỉnh, thành phố sử dụng bằng chưa được công nhận hay bị tố sử dụng bằng giả. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng sử dụng bằng giả, bằng không được công nhận hiện nay?

- Có thể nhiều người ở thế hệ trước còn nhớ, những năm 2002, lúc đó tôi là Phó ban thứ nhất của Ban Khoa giáo Trung ương, đã cùng với Bộ trưởng Bộ GDĐT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Hiển phát động phong trào chống bằng giả. Riêng trong năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Hằng năm, việc làm này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng cấp giả hiện nay không có phong trào sâu rộng như khi đó.

Thời gian đó, cách đây hơn chục năm, đã phát hiện rất nhiều nhưng tôi nghĩ vẫn chưa hết. Con số đó vẫn còn tiếp tục tăng lên.

Những trường hợp bị phát hiện sử dụng bằng giả đã được xử lý như thế nào, thưa GS?

- Những trường hợp phát hiện đều bị xử lý nghiêm túc, tước bằng giả và xử lý kỉ luật nghiêm minh. Trong quá khứ, việc này không chỉ xuất hiện ở địa phương mà ngay cả các cơ quan trung ương cũng có.

Có ý kiến cho rằng cần thiết phải kiểm tra lại bằng cấp của các lãnh đạo để lấy lại công bằng và niềm tin của nhân dân. Theo ông, công việc kiểm tra này có khó khăn không?

- Việc phát giác bằng giả này quá đơn giản. Vấn đề là có làm hay không. Bất cứ ai vào cơ quan cũng đều phải duyệt lí lịch, bằng cấp rồi đến khi đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cũng kiểm tra lại. Qua rất nhiều khâu nên chẳng có gì khó để phát hiện ra.

Bên cạnh đó, việc sử dụng bằng cấp giả cũng còn có thể phát hiện được thông qua những lời bàn tán, xì xào vì thường việc này sẽ có rất nhiều người biết. Để xảy ra điều này là lỗi, là sai lầm của bộ phận tổ chức. Không thể đổ lỗi do sơ suất bởi đây là những lỗi đã quá rõ ràng. Nguyên nhân có thể là do nể nang hoặc do tiêu cực… nên cố tình bỏ qua.

Ngoài ra, hiện tượng nhân viên đi học thay, sếp nhận bằng đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Nạn gian dối chính là một thứ bệnh hoạn của xã hội, do chính những người có chức, có quyền lực tạo ra.

Theo Huyên Nguyễn (Lao Động)