Xã hội

Hà Nội tưới cây giữa trời mưa ngập đường vì...định mức?

Có nhiều thứ nguyên tắc lạ lắm, ví như việc cắm cột điện bên cạnh cây xanh có nguy cơ đổ gãy cao khi trời mưa bão vì khoảng cách quy định nó phải thế, hay là làm đường "cong mềm mại" do... quy hoạch.

Có nhiều thứ nguyên tắc lạ lắm, ví như việc cắm cột điện bên cạnh cây xanh có nguy cơ đổ gãy cao khi trời mưa bão vì khoảng cách quy định nó phải thế, hay là làm đường "cong mềm mại" do... quy hoạch.

Lời giải thích nào thỏa đáng cho bức ảnh tưới cây giữa trời mưa xối xả như thế này?

Rồi sẽ có một phát ngôn chính thức về việc mà nhiều người cho là không bình thường này, đại loại theo kiểu “cây trồng dưới gầm đường trên cao, mưa không vào tới được nên bắt buộc phải tưới thôi”. Rồi “cư dân mạng” lại sẽ “à” ra một tiếng là sự hiểu lầm như cách đây chưa lâu cũng đã từng hiểu lầm chuyện công ty Môi trường đô thị đi rửa đường và vỉa hè giữa lúc mưa to ngập lụt, chỉ là tiện tay chĩa vòi vào cây chứ không phải là tưới cây.

Đáng khen cho những nhân viên của công ty này vì đã nhiệt tình hoàn thành nhiệm vụ, bất chấp trời mưa xối xả. Trong khi nhiều xe trên đường chết máy, nhiều người phải trú gầm cầu không thể về nhà vì mưa quá lớn, nước mưa dư thừa lênh láng, ùn đọng cục bộ, nhiều con đường ngập tới hàng mét nước thì họ vẫn miệt mài với nhiệm vụ của mình.

Có lẽ sau sự việc này, nhiều cơ quan, tổ chức khác sẽ phải tìm đến công ty này để học tập cách khuyến khích nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bởi lẽ lâu nay, không ít cơ quan, tổ chức đau đầu trước tình trạng nhân viên “sáng cắp ô đi tối cắp về” mà cuối năm vẫn phải hạ bút ký vào tờ báo cáo 100% hoàn thành nhiệm vụ.

Mà bây giờ, không khí bị ô nhiễm nặng, nước mưa chắc gì đã trong lành. Mưa xối vào cây không chừng cây lại chết. Thôi thì dùng nước máy từ lòng đất là tốt nhất.

Với lại, lịch tưới nước cho cây đã ấn định từ đầu tháng, chỉ tiêu cuối tháng phải hoàn thành, có ai đứng vào hoàn cảnh của những người công nhân kia để suy nghĩ hay không? Họ sẽ bị trừ lương, cắt phụ cấp nếu như không hoàn thành định mức, không đạt đủ chỉ tiêu công việc của tháng.

Bây giờ làm gì, việc gì cũng vậy thôi, cái chỉ tiêu, định mức áp từ trên áp xuống, không đạt đủ thì coi như cuộc mưu sinh thất bại. Công nhân bây giờ đi làm ở đâu cũng đều bị khoán công lao động cả. “Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Họ đâu muốn bị trở thành dở hơi trong mắt một số người không hiểu chuyện. Chỉ là vì công việc, vì mưu sinh thôi.

Mà nếu như người chỉ đạo ngồi trong phòng máy lạnh của một tòa nhà cao tầng nào đó thì hôm ấy cũng không chắc đã biết trời mưa. Dù có biết mưa có khi cũng không lường đến việc mưa ngập đường, ngập xe cản trở giao thông đi lại như vậy. Còn công nhân, họ làm sao quyết định được việc này việc khác, chỉ nhìn vào cái lịch phân công công việc đã được sếp ký duyệt thì bắt buộc phải làm thôi, không kể là mưa hay nắng. Lời sếp luôn là mệnh lệnh, không làm thì thất nghiệp. Trên vai là cả gia đình, cuộc sống cơm áo gạo tiền, ai lo cho họ? Họ làm việc, buộc phải làm việc.

Trời mưa lớn, đường Hà Nội ngập lụt, ngại lắm nhưng xăng đã nhận, chỉ tiêu đã treo lủng lẳng trên đầu, không tưới thì lấy đâu lý do để hạch toán vào cuối tháng?

Lâu nay, có nhiều thứ nguyên tắc lạ lắm. Ví như việc người ta đi cắm cột điện bên cạnh cây xanh có nguy cơ đổ gãy khi trời mưa bão chỉ vì khoảng cách trung bình giữa hai cây cột điện đã được quy định rõ rồi, không thay đổi được. Cũng có khi người ta phải xây một con đường vòng vèo, dài loằng ngoằng rất vô lý và kéo dài thời gian di chuyển chỉ vì trong bản quy hoạch nó phải thế mới đúng thiết kế, thực tế thì mặc kệ thực tế.

Nhưng nói gì thì nói, tưới cây giữa trời mưa to ngập lụt như thế thật khó lý giải. Tôi mong chờ lắm một câu trả lời xác đáng hơn sau bức ảnh tưới cây giữa trời mưa lần này, chứ rửa đường giữa trời mưa cũng vẫn khó lọt tai.
 
>> Hà Nội: Thực hư công nhân tưới cây dưới trời mưa tầm tã

Theo D.Thu (Nguoiduatin.vn)