Xã hội

Hàng loạt nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc vì việc ngập đầu, lương 'bèo bọt': Kiến nghị gấp

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp trở lại, TP.HCM lại đau đầu với bài toán nhiều nhân viên y tế cấp phường, xã xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.

Báo Thanh Niên đưa tin, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ngày 22/11 đã gửi văn bản kiến nghị đến Bộ Y tế về việc thí điểm tổ chức thực hành khám, chữa bệnh cho bác sĩ đa khoa mới ra trường, bác sĩ y học dự phòng mới ra trường tại trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã trên địa bàn thành phố.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM trong thời gian qua, việc thu hút bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y về công tác tại các trung tâm y tế và trạm y tế trong thời gian qua gặp khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại thành phố.

Trong khi đó, nhu cầu về nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ, điều dưỡng tại tuyến quận, huyện, phường, xã, thị trấn là rất bức thiết. Do đó, việc phân bố bác sĩ, điều dưỡng mới tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo y khoa tham gia thực hành khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở trong tình hình mới là điều cần làm ngay.

Hàng loạt nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc vì việc ngập đầu, lương 'bèo bọt': Kiến nghị gấp
Nhân viên y tế TP.HCM vô cùng vất vả suốt nhiều tháng qua

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét, chấp thuận cho TP.HCM được thí điểm tổ chức thực hành KCB tại Trung tâm y tế TP.Thủ Đức, các quận, huyện và trạm y tế phường, xã, thị trấn cho đối tượng là bác sĩ đa khoa để cấp chứng chỉ hành nghề KCB đa khoa; bác sĩ y học dự phòng để cấp chứng chỉ hành nghề KCB với phạm vi hoạt động chuyên môn “Phát hiện và xử trí các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng” theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/215 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ với thời gian 12 tháng và 6 tháng thực hành tại các bệnh viện (thay vì thực hành 18 tháng tại bệnh viện theo quy định hiện hành).

Trước đó, trong buổi giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM về công tác y tế cơ sở chiều 10/11, Vietnamnet trích lời Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết: "Không ai chịu về trạm y tế" khi nhận định về tình hình nhân lực y tế cơ sở.

Theo báo cáo, tại TP.HCM, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã/phường trên 10.000 dân chỉ đạt 2,31. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06).

Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị tăng mức trần biên chế tại trạm y tế lên gấp đôi hiện tại, tức là 20 người/trạm để đảm bảo nhân lực.

Trong buổi làm việc, nguồn trên dẫn lời Giám đốc Sở Y tế trải lòng: "Đợt dịch vừa qua, mỗi ngày tôi đều ký 1 tập đơn xin nghỉ việc của nhân viên trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện".

Để giữ chân nhân viên y tế ở lại với cơ sở trong lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Thượng cho rằng ngoài việc thu hút nhân tài, cần có chính sách hỗ trợ bằng tiền để đáp lại những vất vả, khó khăn của họ.

Cụ thể, ông Thượng đề xuất mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, trình độ Đại học, y sĩ hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng, trình độ Cao đẳng 3 triệu đồng/tháng.

Tổng hợp

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/hang-loat-nhan-vien-y-te-tphcm-nghi-viec-vi-viec-ngap-dau-luong-beo-bot-kien-nghi-gap-tintuc798023