Xã hội

Ngư dân Bình Định yêu cầu bồi thường 45,6 tỷ đồng vụ tàu thép nằm bờ

Ngư dân Bình Định yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại 45,6 tỷ đồng do tàu thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ mới bàn giao đã hỏng nặng nằm bờ suốt hơn 9 tháng qua.

Trao đổi với Zing.vn sáng 13/12, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết, 19 gia đình ngư dân vừa gửi văn bản kiến nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) bồi thường thiệt hại 45,6 tỷ đồng.

Lý do ngư dân yêu cầu hai doanh nghiệp này bồi thường là tàu thép mới bàn giao nhưng đã hư hỏng, nằm bờ chờ khắc phục suốt hơn 9 tháng qua khiến cuộc sống họ khốn khổ. 

Ngư dân Bình Định yêu cầu bồi thường 45,6 tỷ đồng vụ tàu thép nằm bờ
Tàu thép mới bàn giao cho ngư dân Bình Định đã hư hỏng, nằm bờ ở vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng.

Vị giám đốc Sở thống kê, 14 gia đình ngư dân yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu bồi thường 36,5 tỷ đồng và năm gia đình ngư dân khác đề nghị Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đền bù hơn 9 tỷ đồng. Dự kiến đến 15/12, hai doanh nghiệp trả lời về vấn đề bồi thường thiệt hại cho ngư dân trong sự cố tàu thép nằm bờ. Trường hợp doanh nghiệp không thống nhất mức đền bù thiệt hại này cho ngư dân thì Sở sẽ tổ chức cho hai bên tiếp tục thương thảo.

"Trường hợp thỏa thuận bất thành, Sở sẽ hướng dẫn ngư dân kiện doanh nghiệp đóng tàu ra tòa trên căn cứ hợp đồng ký kết. Hội Luật gia Bình Định cũng đã sẵn sàng hỗ trợ miễn phí, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân kiện doanh nghiệp ra tòa", ông Hổ nói. 

Theo ngư dân Bình Định, khoản tiền bồi thường gồm: Chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu; tiền hợp đồng thuê lao động trong thời gian tàu mới bàn giao đã nằm bờ kéo dài; thủy sản bị hư hỏng; tiền thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng khi đánh bắt; tiền thiết kế tàu; lợi nhuận bị tổn thất do tàu nằm bờ; khoản nợ gốc và trả lãi vay cho ngân hàng.

Ngư dân Bình Định yêu cầu bồi thường 45,6 tỷ đồng vụ tàu thép nằm bờ - 1
Trần tàu thép mới bàn giao đã bị gỉ sét bong ra từng mảng lớn khiến ngư dân Bình Định bức xúc. Ảnh:Minh Hoàng.

Trước đó, ngày 30/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định tổ chức cuộc họp giữa các ngư dân và đại diện hai doanh nghiệp đóng tàu. Tại cuộc họp này, 19 chủ tàu thép yêu cầu hai doanh nghiệp bồi thường 37 tỷ đồng. Sau đó, họ cho rằng chưa thống kê hết thiệt hại nên cơ quan chức năng yêu cầu rà soát, tính toán lại bổ sung đến nay tăng thêm 8,6 tỷ đồng so với mức thiệt hại ban đầu. 

Về vấn đề này, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, hai doanh nghiệp đóng tàu cơ bản đã đồng ý bồi thường thiệt hại cho ngư dân. Tuy nhiên đơn giá, hạng mục bồi thường như thế nào thì họ đang xem xét, trao đổi lại. Tỉnh sẽ tổ chức một cuộc họp để giải quyết vấn đề dứt điểm vấn đề này thời gian tới. 

Tháng 4/2017, nhiều ngư dân phản ánh cơ quan chức năng Bình Định về tình trạng tàu thép bị gỉ sét nặng, máy móc, thiết bị liên tục gặp sự cố.

Ngày 31/5, hàng chục chủ tàu đồng loạt gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng phản ánh tình trạng tàu thép mới bàn giao đã bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng đành nằm bờ kéo dài. Ngày 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67. 

Ngày 26/6, Bình Định công bố kết quả thẩm định, nêu ra nhiều sai phạm Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. 

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, đến nay tỉnh phê duyệt 14 đợt với 260 tàu khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá được đóng mới theo Nghị định 67 cho ngư dân địa phương. Tuy nhiên, chỉ có 25% trường hợp chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại và đã được giải ngân trên 826 tỷ đồng.

Theo Minh Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)