Xã hội

Sở Tài nguyên Hà Nội: "Không quan trắc được bụi thủy ngân trong không khí"

Lãnh đạo ngành Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho hay, với kinh phí và thiết bị như hiện nay, việc quan trắc bụi thủy ngân trong không khí ở Hà Nội không thực hiện được, nên không có cơ sở kết luận có bụi thủy ngân trong không khí.

Lãnh đạo ngành Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho hay, với kinh phí và thiết bị như hiện nay, việc quan trắc bụi thủy ngân trong không khí ở Hà Nội không thực hiện được, nên không có cơ sở kết luận có bụi thủy ngân trong không khí.

Tại hội nghị giao ban giữa lãnh đạo UBND Hà Nội với lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố sáng 11/5, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã lên tiếng sau thông tin phát hiện bụi thủy ngân trong không khí ở Hà Nội.

Ông Đông cho biết, Sở đã làm việc với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sau khi có thông tin trên. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho hay trạm quan trắc ở đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) chỉ là một trạm quan trắc số liệu môi trường không khí tại đường giao thông nên không đại diện cho toàn bộ không khí của Hà Nội.

so-tai-nguyen-ha-noi-khong-quan-trac-duoc-bui-thuy-ngan-trong-khong-khi

Trung tâm quan trắc môi trường cho rằng vào giờ cao điểm của phương tiện giao thông, chỉ số về bụi cao hơn các thời điểm khác. Ảnh minh họa: Bá Đô.

“Với kinh phí và máy móc thiết bị như hiện nay, việc quan trắc bụi thủy ngân trong không khí ở Hà Nội là không thực hiện được. Do đó không có cơ sở kết luận có bụi thủy ngân trong không khí ở Hà Nội”, ông Nguyễn Trọng Đông nói.

Liên quan đến kiểm soát không khí thủ đô, tại buổi tiếp xúc với cử tri của những người ứng cử HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 (ngày 9/5), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin, thành phố đang triển khai dự án lắp đặt 80 trạm quan trắc môi trường tự động do Pháp tài trợ. Khi dự án hoàn thành, hàng ngày người dân thủ đô sẽ được thông báo về tình trạng môi trường, không khí, mức độ ô nhiễm, bụi bẩn từng khu vực.

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng bác bỏ thông tin phát hiện thủy ngân bay lơ lửng trong không khí Hà Nội. Phó tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng cho hay: “Vừa qua, có một điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường có phát hiện thủy ngân từ mưa a-xit, đến nay mới có kết quả bước đầu tại một điểm nên vấn đề này cần nghiên cứu tiếp”.

Cũng theo ông Tùng, việc phát hiện thủy ngân trong không khí cần có thiết bị. Trong khi Việt Nam hiện mới có “thiết bị phân tích từ nước mưa còn từ trong khí quyền thì chưa có”.

Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) từ ngày 27/2 đến 2/3, giá trị bụi MP10 và PM2,5 tăng cao tại một số thời điểm. PM10 là các hạt bụi có đường kính động học ≤10µm (micrômét); PM2,5 là bụi có đường kính động học ≤2,5µm, có khả năng đi sâu vào phế nang phổi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Cụ thể, giá trị PM10 trung bình ngày cao nhất là 160 µg/m3 vào ngày 29/2, vượt quy chuẩn cho phép một lần (150 µg/m3). Trong khi PM2,5 đều vượt giới hạn cho phép ở tất cả ngày, trong đó thời điểm cao nhất cũng rơi vào 29/2 với giá trị là 89 µg/m3, vượt gần 2 lần quy chuẩn cho phép.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động trong tuần là từ 122 đến 178. Theo thang đánh giá với tác động sức khỏe con người, nếu chỉ số AQI ở mức 51-200 thì nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài; AQI trên 300, mọi người nên ở trong nhà.

Theo V.Hải (VnExpress.net)