Chính lòng tốt không đúng cách, sự dễ dãi của du khách đã tác động tiêu cực tới văn hóa bản địa.
Chính lòng tốt không đúng cách, sự dễ dãi của du khách đã tác động tiêu cực tới văn hóa bản địa.
Chỉ sau dăm năm vùng cao nguyên đá phát triển du lịch mạnh mẽ, hiện tượng nhóm trẻ em tụ tập bên ngoài điểm tham quan, ven đường vẫy tay chào ô-tô đã phát sinh nhiều biến tướng. Chính lòng tốt không đúng cách, sự dễ dãi của du khách đã tác động tiêu cực tới văn hóa bản địa.

2.000 đồng mới cười, cho chụp ảnh

Ngôi nhà Mông tuyệt đẹp là bối cảnh quay bộ phim Chuyện của Pao (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) gần trở thành điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua trên cung đường khám phá cao nguyên đá hùng vĩ. Trong chuyến khảo sát Hà Giang cuối tháng trước, chúng tôi phấn khởi vì chủ cánh đồng rau hai bên đường vào “nhà của Pao” đã cải tạo thành nhiều khoảnh vườn trồng cây cho hoa đẹp. Tôi rón rén tới gần bốn chú bé dân tộc thiểu số đang nô đùa giữa vườn hồng, giơ máy ảnh lên bảo: “Các cháu cười nào”! Tiếng cười tắt ngấm, đứa lớn nhất lạnh lùng nói: “Cho hai nghìn mới cười”. Hai bé ít tuổi hơn đồng thanh đòi “hai nghìn mới cho chụp ảnh” rồi quay ngoắt mặt đi. Còn cậu bé nhất cũng bập bẹ: “Hai nghìn, hai nghìn”!

Khách du lịch dễ dãi cho tiền trẻ em dân tộc thiểu số ở Sa Pa (ảnh) để chụp được bức ảnh vừa ý đã gây ra tình trạng đòi “thù lao” nhức nhối ở thị trấn này. 

 
Tôi thật sự ngỡ ngàng! Trẻ em Hà Giang gặp tại nơi không phải điểm du lịch hoặc đi trên đường thấy người lạ chụp ảnh mình đều cười hồn nhiên. Chắc hẳn khách du lịch thăm “nhà của Pao” đã nhiều lần trả “cát-xê” cho trẻ, tạo thói quen đòi tiền. Sau hơn 100 năm du lịch phát triển ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai), tình trạng trẻ em địa phương đòi tiền chụp ảnh rất phổ biến ở đây. Nhưng các điểm đến trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn mới nổi tiếng dăm năm nay thôi.
Chứng kiến trẻ dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc còn quá nhiều khó khăn, khách du lịch đều thương cảm, song lòng tốt cần thể hiện đúng cách, đúng chỗ. Cô giáo Kiều Thị Kim Loan (Trường PTDL Lương Thế Vinh - Hà Nội) kể, Tết Ất Mão 2013 tới tham quan Phố Cáo (huyện Đồng Văn), một khách trong đoàn rút tập tiền 2.000 đồng mừng tuổi cho đám trẻ gặp đường. Anh hướng dẫn viên người Hà Giang lập tức ngăn lại vì dễ tạo cho trẻ tâm lý trông chờ khách cho tiền. Ngay cả quần áo ấm, bánh kẹo cũng nên vào tận nhà tặng đồng bào. Nếu cho giữa đường sẽ tạo thói quen trẻ ra đường ngóng quà...

Thương nhau bằng mười hại nhau

Cuối tháng trước, chúng tôi không còn thấy nhiều tốp trẻ em đứng ven đường Hạnh Phúc vẫy chào ô-tô du lịch để dụ khách xuống chụp ảnh, cho tiền quà…, nhờ chính quyền hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc nỗ lực tuyên truyền cho người dân, học sinh không làm như vậy. Tuy nhiên, lại phát sinh hiện tượng nhóm trẻ (vài chỗ có cả người già bế cháu) tha thẩn cạnh điểm tham quan nổi tiếng, đoạn đường khách thường xuống ngắm cảnh…, nhìn khách chăm chú.
 
Đoàn khảo sát từ Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) quay ra đã thấy một nhóm trẻ đứng cạnh ô-tô chăm chú nhìn khách. Thấy nhiều người mang bánh kẹo ra phát, kể cả trẻ tình cờ đi qua cũng được dúi bánh kẹo vào tay, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở VH-TT&DL Hà Giang) Đặng Quốc Sử oang oang khuyên can kẻo “khách đến sau không cho thì trẻ bí xị mặt, chỉ trỏ vào khách”! Nhưng có người vẫn cố phát hết mới thôi (!)

Nhà của Pao ở Hà Giang.


Qua điểm dừng chân tại đỉnh đèo Mã Pì Lèng một đoạn, chúng tôi thấy xe phía trước đi qua chỗ năm trẻ em đang đứng 5 - 6m rồi dừng lại. Có lẽ đã quen với dấu hiệu “xe dừng”, nhóm trẻ chạy ùa tới nhìn đăm đăm lên xe. Một bé bị dị tật ở chân vội bò sùng sục theo, trông xót xa vô cùng. Một khách nhảy xuống chia vội nắm kẹo cho nhóm vì “cả xe thương cảm cháu tàn tật quá”!

Chứng kiến toàn bộ cảnh trên, cán bộ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Vừ Thị Mai Hương khuyến cáo: “Không thể khắc phục triệt để mặt trái của du lịch tác động tới đồng bào nếu khách cứ cho quà bừa bãi. Nhà hảo tâm muốn đi du lịch kết hợp làm từ thiện hãy liên hệ với chính quyền, đoàn thể ở Hà Giang hoặc chúng tôi để có địa chỉ cụ thể cần giúp đỡ”. Ông Nguyễn Xuân Trường, đại diện Công ty du lịch Sang trọng Việt Nam, cho biết đã góp ý với lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh công bố trên ấn phẩm quảng bá, trang web của mình những việc hướng dẫn viên và khách không nên làm.

Theo Nguyễn Phương - Đức Minh (Ngaynay.vn)