Xã hội

Việt Nam phản bác quan điểm của ông Tập về Biển Đông

Trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao hôm 12/11, người phát ngôn Lê Hải Bình phản bác quan điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao hôm 12/11, người phát ngôn Lê Hải Bình phản bác quan điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Công Khanh

 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam sau phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore cho rằng "quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ xưa", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có những lời nói và hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, đóng góp cho hòa bình, phát triển khu vực và thế giới”.​

Ngoài ra, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam xung quanh việc Indonesia cân nhắc kiện Trung Quốc ra Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) khi không thể giải quyết yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông thông qua đối thoại cũng như khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc, Người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh:

“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết mọi vấn đề ở Biển Đông dựa trên các biện pháp hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chúng tôi cho rằng các quốc gia có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình và phù hợp để giải quyết tranh chấp quốc tế có liên quan tới mình”.

Liên quan tới vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Lê Hải Bình đề cập tới tuyên bố của mình được đưa ra hôm 31/10, nêu rõ chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là quốc gia ven biển ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên ​Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với công ước.

“Việt Nam đã nhiều lần thể hiện quan điểm của mình, đặc biệt trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài ngày 5/12/2014. Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông", ông Bình cho biết.
 
>> Từ Singapore, ông Tập lại nói vô căn cứ về Biển Đông
>> Lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan lên lịch ăn tối, sẽ “chia đôi hóa đơn”
>> Chủ tịch Trung Quốc: "Điều mình không muốn thì không ép người khác"

Theo Hồng Duy (Zing.vn)