Xã hội

Yêu cầu khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào tháng 12

Bộ GTVT yêu cầu khai thác tuyến Cát Linh - Hà Đông vào tháng 12 nhưng tổng thầu Trung Quốc vẫn chậm trễ trong công tác hoàn thiện và trình kế hoạch chi tiết vận hành thử.

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT chiều 15/5, lãnh Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết đang phối hợp với Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị bàn giao dự án Cát Linh - Hà Đông theo đúng kế hoạch. Dự án đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc hoàn thiện các hạng mục ở một số ga và depo.

Chưa kiểm soát được tiến độ

Đánh giá tổng thể dự án, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, thừa nhận Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đưa vào vận hành nên các cơ quan chức năng chưa hoàn toàn kiểm soát tiến độ. Để thuận lợi nhất, Hà Nội cần sớm tiến hành thuê đơn vị tư vấn vận hành sau khi tàu chạy thử vào tháng 10/2018.

Ngoài ra, Ban quản lý lo ngại việc nghiệm thu và bàn giao dự án Cát Linh - Hà Đông trong 3 tháng như kế hoạch sẽ khó thực hiện được.

Yêu cầu khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào tháng 12
Nhiều nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn ngổn ngang, chưa hoàn thiện. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng hệ thống đường sắt trên cao tương đối đảm bảo yêu cầu về thiết bị và tiến độ. Phần việc cho tàu chạy đã cơ bản hoàn thành nhưng phải đẩy nhanh tiến độ.Ông Phương khẳng định tổng thầu đang chậm trễ trong công tác hoàn thiện và trình nộp kế hoạch chi tiết vận hành thử... Ban sẽ tiếp tục đôn đốc tổng thầu đẩy nhanh công tác hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu trên trong tháng 6 đảm bảo tiến độ nghiệm thu, bàn giao.

Bộ trưởng yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt và nhà thầu tập trung ưu tiên số 1 cho đảm bảo an toàn chạy tàu. Ưu tiên số 2 là hoàn thiện các phần việc để có thể đóng điện, vận hành được toàn hệ thống… Tổng thầu phải nhanh chóng hoàn thiện sớm các nhà ga, hạng mục hạ tầng phụ trợ.

“Tháng 10 phải vận hành kỹ thuật và khai thác thương mại vào tháng 12”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, ông Phương cũng báo cáo Bộ GTVT tình hình thực hiện công tác rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đến nay kế hoạch vốn của dự án vẫn chưa được bố trí. Nhưng việc rà soát hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cơ bản bám sát tiến độ đề ra. Ban dự kiến hoàn chỉnh báo cáo giữa kỳ để báo cáo Bộ vào cuối tháng 6/2018.

Tháng 5 công bố tư vấn sân bay Long Thành

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), cho biết trong tháng 5 sẽ hoàn thành công tác đấu thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể sân bay Long Thành (Đồng Nai). Cũng trong tháng 5, ACV công bố kết quả chỉ định nhà thầu phụ lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách sân bay.

Trước đó, tháng 12/2017, ACV đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án.

Yêu cầu khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào tháng 12 - 1
Đầu tháng 6 sẽ hoàn tất các thủ tục để có thể phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lê Quân.

Về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, cho biết đã giao Công ty Tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC) triển khai quy hoạch chi tiết. Đầu tháng 6 sẽ hoàn tất các thủ tục để có thể phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.Có 2 nhà thầu nộp hồ sơ gồm liên danh VKS và liên danh JFV JV. Cụ thể, liên danh VKS gồm 7 thành viên gồm công ty Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Việt Nam. Liên danh JFV JV có 6 thành viên gồm các công ty của Nhật Bản, Pháp và Việt Nam.

Bộ GTVT yêu cầu song song với mở rộng sân bay, Cục Hàng không phải phối hợp với TP.HCM xây dựng công trình giao thông kết nối. Khi xong sân bay là phải xong cả các công trình hạ tầng hoàn chỉnh tại Tân Sơn Nhất.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD. Tuy nhiên, với việc chậm tiến độ, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, tháng 10 năm nay tàu đường sắt đô thị chạy thử liên động toàn hệ thống. Đến cuối năm 2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)