Công nghệ

Chiêu lừa 10 người đọc 9 người mắc bẫy trên Facebook

Chỉ với một vài thủ thuật đơn giản khơi gợi sự tò mò, những người không cẩn trọng vô cùng dễ dàng mắc bẫy.

Trang Facebook nguy hiểm, người dùng cẩn thận mất tiền

Thời gian đây, nhiều người dùng Facebook cho biết, họ thường xuyên bắt gặp một fanpage có tên "LoliPop" xuất hiện trên NewsFeed cá nhân. Các bài viết được đăng trên trang "LoliPop" đều có chung một xu hướng, đó là chia sẻ một hình ảnh gây tò mò kèm theo thông điệp "úp mở" để thu hút sự chú ý của cư dân mạng.

Chiêu lừa 10 người đọc 9 người mắc bẫy trên Facebook
Trang Facebook có tên LoliPop thường xuyên chia sẻ những bài viết có thông tin giả mạo, gợi tò mò cho người dùng để click vào link dưới phần bình luận.

Tại phần bình luận, fanpage này sẽ đính kèm một đường link để người dùng truy cập nếu muốn xem chi tiết về nội dung bài viết. Tuy nhiên, đường dẫn đến trang web sẽ được chia sẻ dưới dạng rút gọn để người dùng không biết trang web đích mà họ sẽ truy cập. Đây là cách tin tặc lợi dụng để phát tán mã độc hoặc các trang web giao diện giả mạo để lấy cắp tài khoản Facebook của người dùng.

Trước đó, cuối tháng 6/2023, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cảnh báo về chiêu trò rải link lừa đảo, seeding quảng cáo "bẩn" trên Facebook.

Đại diện Cục chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết như kẻ lừa đảo tạo một trang giả mạo có giao diện tương tự trang web tin cậy, như ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến.

Chiêu lừa 10 người đọc 9 người mắc bẫy trên Facebook - 1
Các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, người dùng nên cảnh giác với link không rõ nguồn gốc, không nhấn vào đường dẫn lạ. (Ảnh chụp màn hình)

Những trang này được thiết kế để thu thập thông tin cá nhân và đăng nhập của người dùng. Một số còn tạo đường link hấp dẫn, dùng tiêu đề hoặc mô tả khiến người dùng quan tâm như "Nhận ngay ưu đãi đặc biệt", "Kiểm tra tài khoản của bạn",... hoặc các sự kiện đang được cộng đồng quan tâm.

Theo các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, người dùng nên cảnh giác với link không rõ nguồn gốc, không nhấn vào đường dẫn lạ. Các link rút gọn cũng cần được kiểm tra trước khi nhấp vào, trong đó lưu ý địa chỉ URL khớp với trang định truy cập, không có ký tự lạ. Người dùng cần tăng cường bảo mật cho tài khoản, thường xuyên cập nhật trình duyệt, ứng dụng.

Cần làm gì khi lỡ ấn vào link lạ, link lừa đảo? 

Hai cách nhanh chóng và hiệu quả để khắc phục tình trạng trên chính là: Đổi mật khẩu và Kiểm tra lịch sử đăng nhập.

Bước 1: Truy cập vào ứng dụng Facebook, Gmail… để đổi mật khẩu.

Bước 2: Tra cứu lịch sử đăng nhập, danh sách lịch sử đăng nhập sẽ hiện ra và kiểm tra các thiết bị đã đăng nhập. Trong trường hợp nếu thấy thiết bị lạ hãy bấm Đăng xuất để vô hiệu hóa việc đăng nhập trên thiết bị đó.

Theo Huỳnh Duy (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chieu-lua-10-nguoi-doc-9-nguoi-mac-bay-tren-facebook-a477912.html